Người trẻ và quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"
Trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển của đất nước, nền tảng văn hóa vẫn luôn vẹn nguyên và được kế thừa qua những thế hệ trẻ nhằm vun đắp và thắp sáng giá trị truyền thống hào hùng của dân tộc.
Văn hóa song hành cùng non sông, đất nước
Xuyên suốt trong chiều dài lịch sử của dân tộc, văn hóa luôn có một vị trí quan trọng đối với sự trường tồn và thịnh vượng của cả dân tộc Việt Nam. Bản sắc văn hóa của nước ta được hun đúc qua hơn 4 nghìn năm lịch sử với những nét giá trị văn hóa, bản sắc riêng biệt làm nên hồn cốt của dân tộc ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nền tảng tư tưởng đã vẫn luôn được kế thừa và trở thành “kim chỉ nam” soi đường, dẫn lối cho công cuộc phát triển văn hóa song hành cùng kinh tế, chính trị và xã hội.
Đại hội Văn hóa toàn quốc là dịp quý báu để cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những yếu kém cần khắc phục và xây dựng phương hướng quan trọng để đưa văn hóa ngày càng phát triển. Để làm được điều này, vai trò của thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng, không chỉ giữ vai trò trong kế thừa các giá trị truyền thống mà còn phải phát huy, tiến tới hội nhập và sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Bạn Phạm Đức Lượng cho rằng văn hóa có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước |
Bạn trẻ Phạm Đức Lượng (25 tuổi) chia sẻ: “Mình nghĩ văn hóa không chỉ đơn thuần là mục tiêu của sự phát triển, văn hóa còn khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo và huy động sức mạnh nội sinh của mỗi chúng ta. Đây chính là giá trị cốt lõi để mỗi dân tộc có thể phát triển và thịnh vượng. Trong chiều dài lịch sử, văn hóa đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc, trở thành cơ sở để xác lập và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự “của dân, do dân và vì dân". Văn hóa không tách rời mỗi chúng ta, cho dù bạn ở nơi đâu hay trong bất cứ độ tuổi nào".
Bạn Đức Lượng nhấn mạnh thêm: Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong mọi hoạt động, chính vì thế việc “thấm đượm” văn hóa dân tộc sẽ giúp chúng ta sống đúng đắn, tích cực lao động, học tập, phấn đấu để cống hiến cho bản thân, gia đình, đất nước.
Tự hào bản sắc văn hóa dân tộc
Bạn Nguyễn Thị Chung cho rằng, tự hào bản sắc văn hóa dân tộc sẽ soi đường để chúng ta giữ gìn chính mình trong tiến trình hội nhập |
“Mình tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Mình có thể cảm nhận từ chính cuộc sống hàng ngày qua những hình ảnh bình dị như mái ngói đỏ, giếng nước phủ kín rêu phong hay cây đa đầu làng trên đường đi học về. Thậm chí đơn giản hơn là lời chào, "lời ăn, tiếng nói" hay cách cư xử với những người xung quanh, cách thưởng thức ẩm thực...”, nói về văn hóa dân tộc, cô bạn Nguyễn Thị Chung (19 tuổi) chia sẻ.
“Văn hóa có sự thú vị, gần gũi nhưng lại chẳng dễ dàng đến mức nhìn qua là hiểu. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa của quá trình đấu tranh gian khổ trong suốt chiều dài lịch sử với biết bao biến cố, thăng trầm, đôi khi là cả sự mất mát, hy sinh tạo nên cốt lõi người Việt Nam.
Đừng dừng ở sự tự hào, mỗi người trẻ cần phát huy truyền thống văn hóa với những giá trị, bản sắc vô giá. Phải hiểu rõ về văn hóa của nước mình để không bị ai “dắt mũi” trước những làn sóng lai căng hay những xô bồ mà cuộc sống hiện đại mang tới; Hiểu về văn hóa để thêm yêu Tổ quốc, phấn đấu hết mình về niềm tự hào thiêng liêng đó", bạn Chung nhấn mạnh..
Hòa nhập nhưng không hòa tan
Bạn trẻ Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh truyền thống song hành cùng hiện đại tạo vẻ đẹp của người trẻ Việt |
Với Nguyễn Tú Anh (22 tuổi), văn hóa song hành cùng thế hệ trẻ. “Là người trẻ, để có thể "hòa nhập nhưng không hòa tan" trong tình hình hiện nay, chúng ta phải luôn kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Đồng thời chọn lọc những giá trị tiến bộ của thế giới để vun đắp, làm giàu cho văn hóa nước nhà”, Tú Anh tâm sự.
Trước “làn sóng độc” từ những tư tưởng, quan điểm, lối sống văn hóa lệch lạc, cô bạn cho rằng: Mỗi người cần phải biết đấu tranh để nhìn nhận đúng, sai như vậy mới tạo nên sự bền vững và chủ động trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Các giá trị văn hóa truyền thống cần được đẩy mạnh và phản ánh sâu rộng hơn nữa trên các mặt trận thông tin đại chúng, trong sự giáo dục của từng gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thể để có thể lan tỏa ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ thanh niên.