Người trẻ giữ hồn Tết Việt
Dịch vụ trang điểm “cháy hàng” những ngày cận Tết Cái Tết “3 không” của nhiều người trẻ Chị em “chạy đua” làm đẹp những ngày cận Tết |
Hạnh phúc khi tự tay gói và nấu bánh chưng
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần có nguy cơ phai nhạt. Nếu như trước đây, những ngày cận Tết, nhà nhà, người người háo hức gói bánh chưng, các bà, các mẹ tất bật chợ Tết rồi loay hoay bếp núc làm các món đặc trưng của ngày Tết, thì nay, hầu hết mọi thứ đều có sẵn ở các cửa hàng, siêu thị, và người dân chỉ việc tới chọn mua. Thói quen nấu món ăn ngày Tết xao nhãng dần, và giới trẻ ngày nay phần lớn chỉ biết đến cái Tết xưa qua phim ảnh, sách báo, vì thế, dẫn đến tâm lý thờ ơ với Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng vẫn còn đó một số người trẻ đang tìm mọi cách để “níu” lại những giá trị văn hóa truyền thống quý giá ấy.
Mỗi dịp Tết đến, bạn trẻ Hoàng Ngọc Huyền, 26 tuổi (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) sẽ cùng gia đình gói bánh chưng |
Là thế hệ thứ tư trong gia đình có hơn 40 năm truyền thống gói bánh chưng ngày tết, Hoàng Ngọc Huyền, 26 tuổi (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã tham gia vào công việc gói bánh từ những ngày còn bé.
“Gói bánh chưng những ngày cận tết đối với mình là cả một bầu trời kỷ niệm. Mình luôn mong chờ đến ngày này vì gia đình được ngồi lại cùng nhau vừa gói bánh vừa chuyện trò. Hồi còn bé, mình chỉ phụ lau lá và ngồi nhìn mọi người gói, lớn hơn chút nữa thì buộc lạt, giờ thì mình đã tự tay gói được những chiếc bánh để chào đón năm mới, cảm thấy hạnh phúc vô cùng”, Ngọc Huyền bày tỏ.
Những chiếc bánh chưng vuông vắn được bạn tự tay gói |
Bánh chưng là hương vị không thể thiếu của gia đình Ngọc Huyền mỗi khi tết đến xuân về. Thông thường, gia đình bạn sẽ gói 15 cặp bánh chưng để cúng tổ tiên, mang biếu và mang bày mâm cỗ ngày xuân. Chia sẻ về trải nghiệm gói bánh, bạn trẻ Ngọc Huyền chia sẻ: “Lúc nhỏ mình nghĩ để gói được một chiếc bánh là siêu khó và sau nhiều năm học công thức của ông bà ngoại, mình đã có thể tự tay gói từng chiếc bánh chưng vuông vức và đẹp mắt”.
Ngọc Huyền cũng cho biết, các công đoạn gói bánh chưng không phức tạp như trước đó bạn nghĩ: “Trước hết là xếp vài lớp lá, sau đó rải gạo, đặt nhân đỗ, thịt lợn đã ướp sẵn, rải thêm một lớp gạo nữa, gói bánh lại và buộc lạt. Để chiếc bánh được đẹp mắt thì nên chọn lá dong có hình dáng vừa và có màu xanh đẹp. Lúc vo nếp có thể thêm chút muối để bánh chín được ngon hơn”.
Nâng niu hương vị Tết xưa
Trong không khí rộn ràng, háo hức của những ngày Tết cổ truyền, cùng với bánh chưng, hoa đào… thì mứt là một món ăn ngon xuất hiện trong đĩa bánh kẹo tiếp khách của các gia đình người Việt.
Những miếng mứt nhỏ xinh, ngọt ngào |
Hiện nay, trên thị trường tràn ngập các mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng. Không ngoại lệ, mứt Tết cũng rất đa dạng nhưng nhiều người lại tự tay làm mứt để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giúp không khí Tết thêm phần ý nghĩa.
Với nguyên liệu phong phú, đơn giản, dễ tìm như: quất, dừa, gừng, cà rốt, bí, khoai lang, thậm chí là vỏ cam, vỏ bưởi, cùi dưa hấu… nhưng phổ biến nhất có lẽ là mứt dừa. Từ công thức và video hướng dẫn có sẵn trên mạng, việc làm mứt dễ dàng hơn. Vì thế mà mứt Tết handmade đã trở thành trào lưu trong những năm gần đây, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Bạn Nguyễn Linh Chi, 24 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tranh thủ những ngày giáp Tết để làm mứt Tết |
Những ngày giáp Tết, bạn Nguyễn Linh Chi, 24 tuổi (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) tranh thủ thời gian rảnh rỗi buổi tối hoặc ngày cuối tuần để cùng gia đình làm mứt Tết. Bạn Chi cho biết: "Vì có con nhỏ nên vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh luôn được mình đặt lên hàng đầu. Gần Tết, mình cùng con làm những món mứt theo sở thích, để con cảm nhận được không khí, hương vị ngày Tết. Với mình, làm mứt tại nhà không khó, chỉ hơi tốn một chút công sức nhưng rất an tâm, có cơ hội được gần gũi, hướng dẫn những công việc mà con có thể làm phụ giúp bố mẹ. Đồng thời dạy trẻ về những nét đẹp văn hóa của người Việt dịp Tết đến, xuân về”.
Tìm lại Tết xưa giữa lòng Hà Nội
Mong mỏi tái hiện lại không khí Tết xưa ấm áp và thiêng liêng, mỗi bạn trẻ chọn cho mình một cách làm riêng. Với bạn Ngô Phương Linh, 24 tuổi (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), thời điểm này, bên cạnh những háo hức mong chờ Tết sum vầy ở quê nhà cùng gia đình, Linh còn dành thời gian để chuẩn bị cho dự án nhỏ của mình dịp Tết Ất Tỵ sắp tới, đó là “hóa thân” thành ông đồ xứ Nghệ, cho chữ ngày Xuân.
Đến nay, Phương Linh đã có 3 năm làm “ông đồ”: “Mấy năm gần đây, mình bắt đầu hành trình “giấy bút” tại gia đình. Nhiều người vẫn cho rằng ông đồ phải lớn tuổi, mặc áo dài khăn đóng, râu tóc bạc, cử chỉ, lời nói từ tốn…Nhưng mình không nghĩ vậy. Thư pháp là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không có giới hạn về sáng tạo, không nhất thiết phải “đóng khung” trong một công thức có sẵn”.
Cơ duyên với nghiệp giấy đỏ, mực tàu của Phương Linh đến từ buổi đi chơi tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám |
“Ông đồ” trẻ bồi hồi nhớ về cơ duyên với nghiệp giấy đỏ, mực tàu của mình: “Khi còn là sinh viên, mình cùng bạn bè đi chơi ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bắt gặp ông đồ đang viết và bán tranh thư pháp. Lúc đó mình chưa hề biết thư pháp là gì, nhưng vừa nhìn thấy thì đã cảm giác rất thích thú, say mê. Nhiều năm sau đó là hành trình tự học hỏi, rèn luyện không ngừng để tiếp cận và nắm vững nghệ thuật thư pháp của bản thân mình”.
Với Ngô Phương Linh, cơ duyên đến với nghệ thuật thư pháp chữ Việt ngoài ý nghĩa tìm thấy niềm đam mê đeo đuổi thực sự của cuộc đời mình, còn khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo tồn vốn cổ truyền của ông cha, nhất là những giá trị văn hóa ngày Tết xưa đang có nguy cơ phai nhạt. “Ước mơ của mình là góp phần tái hiện lại hình ảnh ông đồ - một hình ảnh đẹp và có ý nghĩa khẳng định văn hoá truyền thống của chúng ta”, Phương Linh chia sẻ.