Người trẻ chọn đón Tết đơn giản để thư giãn
Cái Tết “3 không” của nhiều người trẻ Muôn cách đón năm mới của giới trẻ Hà thành Người trẻ “cày cuốc”, chạy đua kiếm tiền khi Tết cận kề |
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 diễn ra. Để tái tạo lại năng lượng sau một năm học tập và làm việc căng thẳng, thay vì lên kế hoạch chi tiêu hoành tráng, năm nay, một số người trẻ chọn đón Tết bằng những trải nghiệm đơn giản, chú trọng cảm giác thoải mái chữa lành bên trong.
Không để bị cuốn vào những câu hỏi khó xử
Bạn Nguyễn Hồng Thuý, hiện đang hành nghề tự do tại quận Ba Đình, TP Hà Nội chia sẻ, Tết này Thuý và bạn bè sẽ tổ chức cắm trại, nướng thịt ở ngoại thành Hà Nội.
Đón Tết một cách đơn giản với bạn trẻ Nguyễn Hồng Thuý có rất nhiều ý nghĩ |
“Nhịp sống hối hả, năng động khiến mình luôn cảm thấy ngột ngạt, đuối sức, đôi khi mình cần một khoảng lặng để phục hồi. Tết là khoảng thời gian để mình làm những gì mình thích. Bên cạnh việc tận hưởng không khí yên bình, đây còn là cơ hội để mình rời xa công nghệ, gắn kết bạn bè và rèn luyện sức khỏe”, Hồng Thuý cho biết.
Để tiết kiệm thời gian, Hồng Thuý và các bạn đã lên chi tiết kế hoạch xuyên suốt những ngày nghỉ Tết. Tuy vẫn đón Tết cùng gia đình nhưng Hồng Thuý chia sẻ bản thân có rất nhiều nỗi lo khi nhận được khá nhiều câu hỏi quan tâm, có phần “nhắc khéo” mà cô gái trẻ không cần đoán cũng biết chắc sẽ phải đối mặt nếu đi chúc Tết họ hàng.
“Sự khác biệt về quan điểm sống giữa các thế hệ khiến nhiều lúc không khí ngày Tết trong gia đình mình không thoải mái. Điều đó khiến mình lựa chọn đi chơi ngày Tết cùng bạn bè để thư giãn sau một năm làm việc”, Hồng Thuý cho biết thêm.
Trong những tháng cuối năm, để đảm bảo đủ tiền mua sắm đồ Tết, lì xì cho gia đình, họ hàng, đi chơi, sắm sửa quần áo cho bản thân, nhiều người trẻ đã “làm thâu đêm, suốt sáng” để có đủ chi phí lo Tết.
Ngô Mai Trang (26 tuổi, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) |
Ngô Mai Trang (26 tuổi, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, vào những tháng bình thường trong năm, cô tan làm vào đúng 17 giờ 30 phút buổi chiều. Nhưng vào tháng gần Tết, cô thường làm việc đến đêm. Trang cho biết, cần nhẩm tính khoản chi phí sắm sửa trong đầu, đã gấp hai, ba lần số tiền lương một tháng. Mai Trang đành nhận thêm dự án, làm thêm giờ để có đủ tiền: “Có những ngày mình ở lại cơ quan làm việc đến 23h đêm mới về nhà. Hôm nào quá bận, mình ngủ lại cơ quan luôn cho an toàn, con gái đi đêm, về muộn rất nguy hiểm”.
Vì công việc cả năm đã bận rộn nên Mai Trang quyết định chọn ở nhà tận hưởng Tết một mình. “Mình dự định đọc khoảng 10 cuốn mà mình vừa săn khuyến mãi dịp cuối năm. Dành ra những ngày đầu năm nằm thư giãn trong căn phòng quen thuộc, vừa ăn mứt Tết, nhâm nhi tách trà. Lật từng trang sách, không chỉ giúp mình mở mang vốn từ, mà còn tiếp cận kho tàng kiến thức của văn chương hùng vĩ. Mới nghĩ đến thôi mình đã thấy hào hứng rồi”, Mai Trang phấn khởi chia sẻ.
"Tết không có gì đáng sợ"
Mỗi năm chỉ về nhà vào những dịp lễ lớn và Tết Nguyên đán, bạn trẻ Lê Mai (28 tuổi, Nam Định), làm việc trong ngành truyền thông ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội háo hức chờ đón khi kỳ nghỉ năm mới đến. Đây là năm thứ hai cô gái trẻ lựa chọn đón Tết với tiêu chí: Đơn giản, không mua sắm và không tiêu tiền.
Việc lựa chọn đón Tết bằng những trải nghiệm đơn giản, không cầu kỳ đã mang lại Lê Mai cho mình niềm hạnh phúc |
Với Lê Mai, Tết là khoảng thời gian nhìn lại năm cũ đã qua xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để "xốc" lại tinh thần, sẵn sàng chiến đấu ở năm tiếp theo. “Việc lựa chọn đón Tết bằng những trải nghiệm đơn giản, không cầu kỳ đã mang lại cho mình niềm hạnh phúc, an lạc trong tâm hồn. Trải nghiệm Tết đơn giản cũng giúp mình duy trì lối sống tiết kiệm, nhất là trong thời buổi đời sống kinh tế khó khăn. Đọc sách tại nhà, nấu ăn cùng gia đình hay cắm trại với bạn bè vừa có cơ hội gắn kết, quây quần bên người thân yêu, vừa trang bị thêm cho chúng ta nhiều kiến thức bổ ích”, Lê Mai chia sẻ.
Thạc sĩ Xã hội học Trần Thị Thuỳ Dương |
Theo Thạc sĩ Xã hội học Trần Thị Thuỳ Dương, ngày nay, nhiều người trẻ thường hướng đến một cái Tết thư thái, nhẹ nhàng, ít tốn kém thay vì một cái Tết hoành tráng. Theo chị, việc người trẻ chú trọng nâng cao trải nghiệm bên trong, chọn đón Tết thư giãn để phục hồi năng lượng sau một năm đầy biến động là điều đáng quý và cũng là một sự thay đổi dễ hiểu.
“Với một số người, Tết là điều kiện để cho những nỗi bận tâm “tạm vắng” trong cuộc sống. Trước những câu hỏi thiếu tế nhị, xoáy sâu vào đời tư, nhiều người trẻ rơi vào tâm lý sợ hãi và tìm cách trốn tránh gặp mặt ngày Tết. Người trẻ ngày nay sống ở môi trường đô thị, quen dần với sự riêng tư, nhưng người ở quê lại coi chuyện hỏi thăm nhau là biểu hiện của quan tâm. Chính sự xung đột về văn hóa khiến hai phía không hiểu nhau, tạo áp lực mỗi dịp Tết đến đối với người trẻ”, Thạc sĩ Xã hội học Trần Thị Thuỳ Dương chia sẻ.
Để việc chọn đón một cái Tết đơn giản, thậm chí đón Tết một mình hiệu quả và lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực, người trẻ cần hiểu được động cơ của việc lựa chọn này. Thạc sĩ Xã hội học Trần Thị Thuỳ Dương cho biết: “Mỗi người trẻ cần bày tỏ trực tiếp và đưa ra mong muốn với gia đình bởi ngày Tết sự hiện diện của mỗi thành viên trong nhà là một món quà, nên quan tâm và động viên thay vì kỳ vọng quá mức tạo nên áp lực cho người trở về, khiến tình cảm ngày càng xa cách. Bên cạnh đó, các bạn nên học cách quản lý cảm xúc và xây dựng kỹ năng giao tiếp để đối diện với những tình huống nhạy cảm thay vì né tránh”.
Chị Trần Thị Thuỳ Dương cũng gửi lời khuyên tới các bạn trẻ cứ xem Tết là khoảng thời gian được nghỉ ngơi và sum vầy với những người thương yêu của mình hoặc là với chính mình, để bản thân được phục hồi sau một năm vất vả. Để sự chú ý của mình hướng về những giá trị, khía cạnh khác của dịp Tết thay vì bị cuốn theo bởi những điều làm mình khó xử.