Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp Việt
Toàn cảnh tọa đàm giữa các trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp (Ảnh: TG & VN)
Tọa đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao thường kỳ lần thứ 30. Đây là cơ hội đặc biệt để cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ hơn 90 Đại sứ, Tổng lãnh sự của Việt Nam ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cùng với hơn 100 Đại sứ, Tổng Lãnh sự đương nhiệm, các Trưởng Cơ quan đại diện chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, các chuyên gia kinh tế như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và 300 doanh nghiệp đã tham dự Toạ đàm.
Ngoại giao hỗ trợ, chia sẻ cùng doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định công tác hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một trong những trọng tâm của công tác Ngoại giao Kinh tế của toàn ngành Ngoại giao. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào việc tạo môi trường quốc tế, tạo khuôn khổ hợp tác song phương thuận lợi để doanh nghiệp làm ăn kinh doanh; phối hợp với các Bộ,ngành thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại tọa đàm về các thách thức của doanh nghiệp Việt (Ảnh: TG & VN) |
Trong quá trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Các Cơ quan đại diện cũng ghi nhận được không ít khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan, xuất phát từ nhu cầu và thực tế hết sức đa dạng của môi trường quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Thứ trưởng Thường trực thẳng thắn nhìn nhận, mạng lưới cơ quan đại diện nhiều nơi còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn trong khi nguồn nhân lực hạn chế. Cơ chế trao đổi, thông tin và phối hợp giữa các cơ quan đại diện và doanh nghiệp chưa thật sự thường xuyên và hiệu quả.
Nhận định về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần đây, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định rằng đằng sau cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc là chiến tranh chính trị, an ninh và khoa học công nghệ; tác động của cuộc chiến này sẽ dàn trải, không đồng đều trong các lĩnh vực nhưng một trong những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là doanh nghiệp. Ông cho rằng Việt Nam cần tránh nguy cơ trở thành đối tượng tấn công thương mại. Ông khuyến nghị doanh nghiệp nên tự chuẩn bị cho mình các biện pháp tự vệ, đặc biệt là chú trọng thu thập thông tin vĩ mô, nắm bắt xu hướng và cục diện thế giới.
Doanh nghiệp cần gì ở các CQĐD?
Trong khi đó, bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao công bố kết quả điều tra nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp đối với các cơ quan đại diện mà Bộ Ngoại giao và các hiệp hội doanh nghiệp đã phối hợp thực hiện.
Kết quả bản điều tra cho thấy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng trọng tâm là nhu cầu thông tin từ địa bàn, đặc biệt là các thông tin mang tính cảnh báo, nhu cầu kết nối cụ thể với các đối tác nước ngoài, nhu cầu cụ thể về xúc tiến và quảng bá, cũng như phương thức hỗ trợ xác minh, tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.
Cũng tại tọa đàm, các Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia và Israel cùng nhiều Đại sứ đã chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp, các thế mạnh của địa bàn phụ trách cũng như đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với doanh nghiệp, với Hiệp hội khi hợp tác với nước ngoài.
Các Đại sứ chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: TG & VN) |
Các Đại sứ đều khẳng định dù nước lớn hay nhỏ, phát triển hay còn khó khăn, doanh nghiệp luôn có cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn, tự tin và tìm đúng cách thức để thâm nhập thị trường.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; đề nghị doanh nghiệp phải có những đặt hàng cụ thể, và kịp thời cập nhật cho cơ quan đại diện những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp có mặt tại tọa đàm đánh giá cao vai trò và sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện trong thời gian qua, từ định hướng cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác cho tới hỗ trợ giải quyết các vướng mắc.
Phó CT HĐQT TH True Milk Ngô Minh Hải chia sẻ về việc tận dụng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thành công trong đầu tư (Ảnh: TG & VN) |
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, các công ty Việt Nam hiện đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các xung đột thương mại và phản ánh xu hướng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài, đặc biệt là trường hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo.
Các doanh nghiệp đề nghị ngành Ngoại giao tiếp tục làm tốt công tác thông tin, hỗ trợ kết nối với chính quyền sở tại và vận động chính quyền các nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn Bộ Ngoại giao giúp kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa hai bên.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị các cơ quan đại diện nghiên cứu triển khai 5 định hướng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm tận dụng thế mạnh của cơ quan đại diện, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá kết nối đối tác, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định cam kết của Bộ Ngoại giao với các doanh nghiệp Việt: “Đồng hành: Cùng các Bộ/ngành đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, đánh giá, dự báo từ đó cung cấp nhiều hơn, sát hơn thông tin về thế giới, khu vực, thị trường cho các doanh nghiệp. Quảng bá: Ngành Ngoại giao nói chung, trưởng các CQĐD nói riêng sẽ thực sự thành “đại sứ” của hàng hóa, dịch vụ và con người Việt Nam. Hỗ trợ, chia sẻ: Nơi đâu có CQĐD của Việt Nam, nơi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ”.
Để phục vụ nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp về tình hình kinh tế thế giới, khu vực và của từng địa bàn, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã phối hợp xây dựng bộ Hồ sơ giới thiệu 80 thị trường trọng điểm và Bản tin ngoại giao kinh tế, với mong muốn đóng góp thiết thực cho quá trình hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể tham khảo đầy đủ thông tin của 80 thị trường trên trang Ngoại giao Kinh tế trực tuyến.