Nghìn lẻ chiêu lừa người tiêu dùng mua sắm trực tuyến
Đủ chiêu lừa đảo
Lợi dụng nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong mùa dịch COVID-19, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đối tượng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ về một trải nghiệm mua hàng online bị lừa đảo cách đây không lâu, chị Vũ Vân Anh (ở Thanh Trì, Hà Nội) buồn rầu nói: "Đợt giãn cách xã hội năm ngoái, phải ở nhà làm việc online, để đảm bảo phòng chống dịch an toàn, hiệu quả, tôi lựa chọn mua sắm trực tuyến từ các đồ gia dụng, thực phẩm đến đồ dùng hàng ngày. Vì tin tưởng người bán, tôi đã hai lần bị lừa, mặc dù số tiền không quá lớn nhưng nhiều lúc nghĩ lại vẫn thấy bực.
Lần thứ nhất tôi đặt mua quần áo mùa hè cho hai con nhỏ, tổng giá trị đơn hàng là hơn 800.000 đồng. Thấy người bán tư vấn nhiệt tình, tôi cũng chủ quan nên nhận hàng mà không kiểm tra, đến lúc mở ra thì kiện hàng bên trong toàn quần áo cũ, nát không thể sử dụng được. Lần thứ hai, tôi đặt mua một bộ mỹ phẩm chăm sóc da. Lúc đặt mua, tôi chỉ chủ ý đến tên của thương hiệu mỹ phẩm mà không để ý nhiều đến người bán. Đến lúc nhận hàng, tôi mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa. Cả hai lần mua hàng bị lừa đó tôi đều đặt mua trên Facebook”.
Một trường hợp người mua bị lừa đảo khi hình ảnh quảng cáo và hàng thật không giống nhau |
Tương tự chị Vân Anh, nhiều người tiêu dùng khác cũng bị rơi vào cảnh dở khóc, dở cười khi bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến. Cách đây mấy tháng, khi vào mạng xã hội Facebook, chị Cẩm Thơ (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có đặt mua hai bình xịt nhà vệ sinh, nhà tắm cao cấp trên một trang bán hàng online với giá gần 350.000 đồng. Sản phẩm này được người bán quảng cáo là "hàng xịn", với công nghệ bọt tuyết nano thế hệ mới giúp đánh bay những vết bẩn lâu ngày. Chuyển khoản rồi nhận hàng, thế nhưng khi sử dụng chị Nhung mới biết mình mua phải hàng nhái, không có những tác dụng như quảng cáo.
Chị Vương Thị Mai, ở phường Khương Trung (ở Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ: "Ngày nào mở Facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi đã thử mở một số trang để xem sản phẩm, thấy có số điện thoại, gọi thì người bán cho biết có thể đổi trả nếu sản phẩm không đúng. Vì thế, tôi đặt mua quần áo và giày nhưng về mở gói hàng ra thì hoàn toàn không đúng mầu sắc và chất lượng như hình ảnh và lời giới thiệu trên Facebook".
Có thể thấy, việc mua sắm online là một giải pháp hữu hiệu khi có dịch bệnh do không phải xếp hàng, đi lại nhiều ở những nơi đông người, hàng hóa được giao tận nhà. Chính vì thế, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hình thức mua sắm trực tuyến gia tăng mạnh mẽ.
Thế nhưng, bên cạnh lợi thế, mua bán hàng online vẫn tồn tại bất cập. Hiện tại, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng trực tuyến như hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân... và ai cũng có thể trở thành nạn nhân chỉ với một cú nhấp chuột.
Cần khắc phục "lỗ hổng" về chính sách liên quan thương mại điện tử
Hiện nay, Hà Nội có hàng nghìn điểm bán hàng trực tuyến, nguồn hàng đã được các siêu thị, cửa hàng phân bổ cho mảng online tăng cường gấp ba lần so với trước. Thông qua một loạt ứng dụng của các áp như: Lazada, Shopee, Tiki, AEON… người tiêu dùng tại Hà Nội có thể dễ dàng "đi chợ", chọn thực phẩm, hàng thiết yếu và chờ giao tới tận nhà.
Ngoài ra, cũng có thể mua hàng trên các trang thông tin điện tử (website), trang mạng xã hội, đường dây nóng chăm sóc khách hàng, điện thoại của mỗi siêu thị hoặc sử dụng dịch vụ đi chợ hộ… hoặc mua hàng online tại các group trên Facebook, Zalo.
Đáng nói, nhiều người bán hàng online còn có những "chiêu" lấy tiền của khách hàng vô cùng tinh vi. Theo đó, các chủ tài khoản lừa đảo đã thâm nhập vào các nhóm trên mạng xã hội chuyên bán hàng như: Mê đồ bếp, bán hàng EU… để đăng bán các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử và nhiều mặt hàng khác. Thực tế, đối tượng chỉ bán hàng "ảo" bằng việc đăng tải hình ảnh copy trên mạng, rồi lừa khách hàng chuyển khoản, sau đó không gửi hàng cho khách.
Người tiêu dùng cần trọng với các giao dịch trực tuyến để tránh nguy cơ bị đối tượng xấu lừa đảo |
Theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù có những tác động tiêu cực nhưng hiện mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để hạn chế những bất cập trong thương mại điện tử nói chung và mua sắm hàng online nói riêng, một trong những điểm quan trọng là cần khắc phục "lỗ hổng" về chính sách liên quan thương mại điện tử.
Cụ thể, các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số; Cần có quy định, điều kiện tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt nghiêm các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan thương mại điện tử để làm rõ cách thức quản lý, các mô hình, nền tảng kinh doanh, trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch, bao gồm cả người quản lý sàn giao dịch.
Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hóa đơn, cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt mua cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua...