Nghệ sĩ Trần Văn Tuấn - người miệt mài tìm kiếm và bồi dưỡng cho những tài năng chèo
Nghệ sĩ Việt chung tay góp Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 |
Tháng 4 năm 2020, khi cả nước đang giãn cách xã hội lần đầu tiên, mọi người vẫn gọi vui là “mùa Covid” đầu tiên. Lúc ấy, cùng với “Tiêu diệt Corona” của nhóm Xẩm Hà Thành, “Ông bà anh thời Covid-19” của NSND Bạch Tuyết... còn nổi lên một ca cảnh chèo với cái tên rất thời sự “Chống dịch như chống giặc” của Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình, do nghệ sĩ Vũ Hằng Nga giới thiệu.
Ca cảnh khá độc đáo không chỉ bởi nội dung mang tính thời sự mà còn bởi sự thể hiện là của các em thanh thiếu niên ở quê hương của những làn điều chèo, hơn nữa, dù là những em tuổi đời còn rất trẻ nhưng hát chèo lại rất “ngọt”, nghe rất “bắt tai”. Ca cảnh sau đó được giới thiệu trên nhiều đài truyền hình Trung ương như Chuyển động 24h - VTV1, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam...
Nghệ sĩ Trần Văn Tuấn |
Thực ra, để các em hát ngọt như thế và diễn đạt như thế, bên cạnh tình yêu nghề và trình độ cũng như sự nghiệp gắn với nghệ thuật nói chung, chèo nói riêng cũng như hoạt động thanh, thiếu niên của nghệ sĩ Vũ Hằng Nga, còn có sự hỗ trợ đắc lực về chuyên môn của ông xã, nghệ sĩ Trần Văn Tuấn.
Nghệ sĩ Trần Văn Tuấn là một gương mặt quen với “bản quyền” đóng đinh trên truyền hình là nghệ sĩ dạy hát chèo. Từ năm 2017 đến nay, anh là người trực tiếp chọn làn điệu, bài chèo sau đó soạn nội dung bài giảng và trực tiếp giảng dạy trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Bình, cũng như trên mạng xã hội.
Hơn nữa nghệ sĩ Trần Văn Tuấn trong cương vị là quyền Trưởng khoa Sân khấu Âm nhạc, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình, anh còn tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Một số đề tài khoa học cấp tỉnh của anh mang tên: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đưa làn điệu, trích đoạn chèo vào trong một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình".
Hay trong năm 2020 anh phụ trách một nhánh của đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước với tên gọi: “Nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố văn hóa đến hoạt động của doanh nghiệp logistics nhằm ứng phó đại dịch Covid 19”...
Nghệ sĩ Trần Văn Tuấn miệt mài truyền lửa cho các thế hệ học sinh hát chèo |
Bênh cạnh đó, nhiều học trò của nghệ sĩ Trần Văn Tuấn giờ đây đã là những nghệ sĩ tài năng được khán giả cả nước yêu mến như Quốc Phòng, Việt Thắng, Thuỳ Linh, Hồng Vân, Minh Hòa... Các học trò của anh cũng đang độ sung sức và công tác tại nhiều đoàn nghệ thuật lớn của trung ương và Hà Nội, như Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Chèo Hà Nội...
Nghệ sĩ Trần Văn Tuấn vẫn lạc quan cho rằng: “Nghệ thuật truyền thống luôn có tiếng nói và vị trí riêng trong đời sống tinh thần của người dân và trong ngôi nhà văn hóa chung của đất nước chúng ta. Chèo là hồn của dân tộc.
Nó bản sắc đặc thù riêng của đồng bằng châu thổ sông Hồng, chiếng chèo đặc biệt ở Thái Bình thì vẫn luôn phát triển mạnh từ thôn xóm làng quê tới thành thị đã có nhiều thế hệ biết hát, diễn chèo và các câu lạc chèo được hình thành duy trì trong nhiều năm qua. Vì thế chèo không thể giảm đi vị trí độc đáo số một ở Thái Bình cũng như nghệ thuật truyền thống không thể giảm đi vị trí của nó trong ngôi nhà văn hóa Việt”.
Tuy nhiên, nghệ sĩ cũng thừa nhận, để chèo phát triển và lan tỏa rộng khắp rất cần có những chính sách của nhà nước, rất cần những người tâm huyết với chèo để cùng nhau tìm kiếm, bồi đắp, nâng đỡ những tài năng, tiếp lửa cho những tài năng đủ tình yêu niềm đam mê và lòng tin với chèo trong suốt cuộc đời của mình.