Ngày đầu Hà Nội thực hiện chống dịch theo 3 phân vùng: Hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động
Hà Nội: Kiểm soát giấy đi đường, phát hiện người đàn ông mang theo súng Hà Nội: Nỗ lực cấp và tuyên truyền đến người dân về giấy đi đường mới |
Siêu thị Vinmart đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ |
Ngay sau khi TP Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng từ ngày 6 - 21/9, Sở Công thương Hà Nội đã lên phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 phân vùng.
Theo kế hoạch được Sở Công thương công bố, tại phân vùng 1 (khu vực đô thị trung tâm) hiện có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến; 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết. Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài phân vùng 1, thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ. Các cơ sở chế biến tăng công xuất cung cấp hàng cho hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%).
Hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc, 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên, trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội…
Ghi nhận trong ngày đầu tiên, tại một số chợ, siêu thị trong phân vùng 1, hàng hóa dồi dào |
Riêng đối với các chợ trong phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng khẳng định, lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho vùng nội đô vẫn dồi dào, giá cả ổn định trong mọi tình huống. Với nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ, chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, đối với vùng 1 mặc dù thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng người đi mua lương thực thực phẩm sẽ được UBND quận, huyện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn.
Ghi nhận trong ngày đầu tiên thực hiện chống dịch theo phân vùng, tại một số chợ, siêu thị trong phân vùng 1 trên địa bàn thành phố hàng hóa dồi dào, các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh phong phú, giá không tăng. Tại siêu thị Big C Hà Đông, siêu thị Vinmart Văn Quán... hàng hoá luôn đầy ắp các kệ. Không chỉ tại các siêu thị và trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa… cũng tăng cường nguồn cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu mua sắm cho người dân trong giai đoạn dịch bệnh.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, lượng hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, dầu ăn, gạo… vẫn dồi dào, giá cả ổn định, sức mua không biến động. Chỉ riêng mặt hàng rau củ ở một số chợ truyền thống tăng nhẹ. Theo nhiều tiểu thương, giá rau củ tăng do nguồn hàng về chợ đang tạm thời bị giảm đi vì khâu vận chuyển đang được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình chống dịch của thành phố.
Nhiều mô hình hay cũng được áp dụng để ngăn ngừa dịch bệnh như việc kẻ ô, căng dây chắn và lắp thêm các tấm nhựa... vừa hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và người bán tại các chợ truyền thống song vẫn đảm bảo việc mua hàng được nhanh chóng, thuận tiện.