Ngành Tuyên giáo Thủ đô luôn chuyển động, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học |
- PV: Thưa đồng chí, năm 2022, TP Hà Nội thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành phố đã hoàn thành nhiều mục tiêu một cách xuất sắc. Với chức năng tham mưu, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã đóng góp như thế nào vào những kết quả của thành phố?
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học: Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, gắn với triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tạo nền tảng để thực hiện khát vọng phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam
Tuy nhiên thành phố đứng trước nhiều thách thức như: Tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp. Dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng vẫn diễn biến khó lường; Áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực…
Trong bối cảnh đó, với tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Thành ủy Hà Nội và cấp ủy Đảng các cấp, chủ động, nhạy bén tham mưu, triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong năm 2022.
Ngành Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động tham mưu cấp ủy ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, góp phần không nhỏ vào thành quả phòng, chống dịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền triển khai các đề án, nghị quyết và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, sự đồng thuận trong xã hội cùng tinh thần, quyết tâm sôi nổi trong Nhân dân.
Đáng phải kể đến, ngay sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền Nghị quyết một cách đồng bộ tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Kỷ niệm 92 năm ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2022), Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức Lễ phát động Hội thi tìm hiểu Nghị quyết này. Hội thi được tổ chức trực tuyến kết hợp với trực tiếp và sân khấu hóa, trải qua 4 tuần thi của vòng sơ khảo, nhận được 1.070.547 lượt thí sinh tham gia thi đã thật sự tạo bước chuyển động trong hệ thống chính trị về tinh thần, ý chí xây dựng, phát triển Thủ đô - yếu tố vô cùng quan trọng trong bối cảnh thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế.
Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội làm việc với Báo Tuổi trẻ Thủ đô về kết quả thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU ngày 15/11/1997 của Thành ủy Hà Nội "Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội” |
- PV: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc thường xuyên đổi mới cách thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên giáo là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Ngành tuyên giáo Thủ đô đã và đang có những chương trình, kế hoạch gì để đáp ứng yêu cầu đó, thưa đồng chí?
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học: Cùng với đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, hệ thống Tuyên giáo thành phố tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số kịp thời, linh hoạt, phù hợp, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức buổi tọa đàm chuyển đổi số trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô. Buổi tọa đàm đã giúp ngành Tuyên giáo Thủ đô nhìn nhận rõ ngành đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi số, mong muốn chuyển đổi số như thế nào và mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là gì.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định mục tiêu “hệ sinh thái số” cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số với các mục tiêu và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các nhiệm vụ công tác tuyên giáo, góp phần tiêu chuẩn hoá, quy trình hoá nghiệp vụ, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với sự chủ động, sáng tạo, đến nay, nhiều đơn vị đã có những thành quả nhất định về chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo.
- PV: Đóng góp vào những thành quả của thành phố trong năm qua không thể không kể đến vai trò của báo chí dưới dự định hướng tuyên truyền của ngành Tuyên giáo. Vậy, hoạt động quản lý báo chí - xuất bản đã được Ban tuyên giáo Thành ủy tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng như thế nào, thưa đồng chí?
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học: Ngành tuyên giáo Thủ đô có nhiều đổi mới trong tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác thông tin, tuyên truyền; Đồng thời, tập trung chỉ đạo, định hướng và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới; Tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, thông tin đối ngoại, các sự kiện quan trọng nhằm lan tỏa thông tin tích cực, nhân tố mới, điển hình tiên tiến... góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch...
Đáng kể, gần 2.000 bài báo được Ban Tuyên giáo Thành ủy tổng hợp, 23 báo cáo điểm báo hàng tuần được gửi đến lãnh đạo TP và các quận, huyện, Sở, ngành cùng với sự chủ động tham mưu hướng giải quyết tới cấp ủy, đặc biệt trước các thông tin chưa chính xác, chưa đầy đủ của một số vụ việc tại huyện Chương Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai…
Bên cạnh đó, hai Giải báo chí về Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh tiếp tục được tổ chức thành công đã không chỉ tạo ra được một sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho những người làm báo, mà còn góp phần chung tay cùng thành phố vì một Hà Nội đẹp hơn.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm chuyển đổi số trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô |
- PV: Năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, xin đồng chí cho biết, ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ tiếp tục có những đổi mới gì để đáp ứng yêu cầu đặt ra?
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học: Toàn ngành Tuyên giáo xác định tiếp tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong các nhiệm vụ.
Ngành Tuyên giáo sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là việc triển khai các đề án, nghị quyết, chuyên đề xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng; Cụ thể hoá nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy...
Ngành cũng sẽ đa dạng các hình thức thông tin để thực hiện định hướng hiệu quả tới các nhóm đối tượng khác nhau nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Đồng thời, kịp thời nắm bắt, dự báo diễn biến những vấn đề lớn, phức tạp tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô; Tham gia giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, định hướng dư luận và ổn định xã hội… đúng với phương châm ngành tuyên giáo phải “đi trước, mở đường - đi cùng, phát triển và đi sau, tổng kết”.
Ngành Tuyên giáo Thủ đô mong muốn các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố, trong đó có Báo Tuổi trẻ Thủ đô phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và thành phố; Tích cực và đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong xây dựng một Hà Nội năng động, đổi mới và phát triển
- - PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tú Linh thực hiện