Ngành Ngân hàng nỗ lực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ |
Khéo léo trong điều hành chính sách tiền tệ
Từ đầu năm 2022, lạm phát thế giới tăng nhanh do giá nhiều hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới leo thang bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraina và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu tác động đến cuộc sống người dân và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đều thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2022, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 (Chỉ thị 01), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú |
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2022, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất tạo áp lực rất lớn đến công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng; Chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm và đầu năm như: Chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; Các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán... Đặc biệt, ngành kịp thời có các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai nhiều giải pháp đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
Kết quả, tính đến ngày 25/11/2022, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,14%. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp khát vốn sản xuất, kinh doanh, để hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm 2022, với mức tăng 1,5 - 2%. Động thái này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, bởi việc làm này như một "liều thuốc quý" giúp hàng nghìn doanh nghiệp vượt qua "cái chết" đang chờ ở phía trước.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Song song với công tác điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, ngành Ngân hàng cũng đặt quyết tâm mạnh mẽ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính.
Ngành Ngân hàng nỗ lực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô |
Ngành Ngân hàng quyết tâm xây dựng môi trường hoạt động hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng ổn định, bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể được Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất. Rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước; Cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số…
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử theo kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng, đẩy mạnh tin học hóa trong hoạt động điều hành, nghiệp vụ trên môi trường số, hoàn thiện hệ thống báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, toàn bộ các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đã triển khai xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng thông qua hệ thống Edoc; 100% văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được ký số và được xác thực theo quy định. Hầu hết lãnh đạo các đơn vị đã sử dụng chữ ký số để ký văn bản điện tử; Đồng thời, mở rộng cấp chứng thư số kết nối VPN để cung cấp cho công chức làm việc từ xa. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng 760 chứng thư số Chính phủ để ký số trên văn bản điện tử...
Bên cạnh đó, kết quả cải cách nội bộ và thực hiện quy chế làm việc của Ngân hàng Nhà nước cũng đạt được những kết quả cụ thể. Trong bối cảnh nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngân hàng có nhiều thách thức, phức tạp, các đơn vị đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động công việc và đã cơ bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chỉ đạo, các đơn vị đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, ý thức tuân thủ các quy chế, quy định, kỷ luật lao động, ý thức phối hợp giải quyết công việc, trách nhiệm phận sự giải quyết công việc; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị cần chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất công việc với ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tránh tình trạng xử lý công việc thụ động. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác điều hành, thực hiện chế độ báo cáo và hoạt động giải quyết thủ tục hành chính; Tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tinh gọn và hiệu quả.