Ngành Ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn
Trong khuôn khổ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, nhiều đại diện nông dân, hợp tác xã tiêu biểu đã đặt câu hỏi với đại diện Chính phủ.
Bà Hoàng Thị Gái, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cho biết, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Gái nêu câu hỏi Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.
Bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. |
Trả lời câu hỏi của bà Gái, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chính sách hỗ trợ nhất là việc tiếp cận vốn sau cơn bão số 3, đây là vấn đề rất nóng, rất thời sự trong thời gian qua. Cơn bão số 3 đổ bộ gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ của cơn bão số 3 rất lớn, trong đó có 124 nghìn khách hàng của 26 tỉnh thành phố, kể cả tác động gây ra lũ, lụt… ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Có 192 nghìn tỷ đồng dư nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Chỉ sau 2 ngày xảy ra bão, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho bà con.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị với 26 tỉnh, thành phố để bàn câu chuyện làm thế nào có vốn khắc phục sản xuất; rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy, hải sản ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… nơi đầu sóng, ngọn gió.
Theo ông Tú, nhiều hộ gia đình gần như mất trắng, khả năng trả nợ trước mắt rất khó, làm thế nào để có công ăn việc làm, duy trì sản xuất tối thiểu. "Chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp thực hiện. Bởi vì chúng ta có được chính sách hiện hữu lúc này để cần thiết có thể khoanh nợ cho những đối tượng không có trả nợ trước mắt", ông Tú nói.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giải đáp các thắc mắc của các đại diện nông dân, hợp tác xã tiêu biểu |
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, chính sách thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhưng việc thực hiện là ở các bộ, ngành và UBND các tỉnh phối hợp để thực hiện. Đây là chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ cho bà con.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá thực tế với những thiệt hại như vậy cần những chính sách cụ thể hơn, ngoài những chính sách chung hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trích lập dự phòng rủi ro, phân loại lại nợ.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 53 đầu tháng 12 để làm căn cứ để tất cả các tổ chức tín dụng xem xét giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và thực hiện cho các khoản nợ trước khi bão số 3 đổ bộ thời gian thực hiện đến hết 2025. Những khoản nợ, khoản lãi được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế.
"Chúng tôi cho rằng ngoài chính sách chung có những chính sách rất cụ thể trong vấn đề hỗ trợ vốn cho bà con, cho doanh nghiệp, cho hợp tác xã", ông Tú nói thêm.
Với những chính sách này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị bà Hoàng Thị Gái và bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt các đơn vị nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại lớn sẽ cùng các ngân hàng thương mại để thực hiện chính sách này.
"Chúng tôi cũng hy vọng không chỉ trong hội nghị này mà sau hội nghị, những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nào gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn không được thụ hưởng chính sách công khai này, chúng tôi sẵn sàng đón nhận các ý kiến, đề xuất để chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai một cách tốt nhất, để đưa chính sách này cho các đơn vị thụ hưởng", ông Tú chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, số chính sách về tiền tệ, tín dụng này nhiều hơn các lĩnh vực kinh tế khác, hiện có 8 chính sách dành cho nông dân, nông thôn để bà con được ưu đãi.
Đặc biệt, có Nghị định 55 ban hành năm 2015, đến năm 2018 có sửa một số nội dung, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đang rà soát lại, nhận thấy một số đối tượng cần được bổ sung là nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn cần được hưởng ưu đãi chính sách này.
"Tất cả nội dung đó đang có trong dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Nghị định 55 sửa đổi sẽ được ban hành. Sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2-3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo, hoặc tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long và những chương trình khác hoàn toàn là những đối tượng ưu đãi cả về lãi suất và cho vay, cũng như các điều kiện hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp", ông Tú nói.