Ngành Công thương: Linh hoạt nhiều giải pháp, vững vàng vượt sóng gió
Bộ Công thương yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nguồn cung xăng dầu dịp Tết Đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng: Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì? |
Xuất sắc vượt qua một năm đầy biến động
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… là những yếu tố tích cực tác động đến chỉ số sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên |
Năm 2022 và những năm vừa qua, quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” và coi nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như các chương trình cải cách hành chính, trong đó có việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngành.
"Những năm qua, Bộ Công thương được đánh giá là điểm sáng trong rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, lĩnh vực ngành nghề mà Bộ Công thương quản lý có nhiều mặt hàng không chỉ quan trọng đối với sản xuất mà còn quan trọng đối với thị trường xuất khẩu, nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước", ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, nổi lên vấn đề nguồn cung xăng dầu, do doanh nghiệp kinh doanh giảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối, giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng chi phí kinh doanh ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nhất là ở khâu bán lẻ nên có hiện tượng nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động kinh doanh, bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được Bộ phê duyệt năm 2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, đích thân Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp để đưa ra giải pháp tốt nhất để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Trước tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo thành lập 3 Tổ công tác chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời có văn bản gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa, chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối), không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh… để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước. Nhờ vận dụng các giải pháp linh hoạt, đến nay, thị trường xăng dầu đã ổn định trở lại.
Sẵn sàng cho năm tới nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức
Bộ Công thương nhận định, dịch COVID-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, việc các nước Liên minh Châu Âu (EU) cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thị sát tình hình cung ứng xăng dầu |
Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế; Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững. Trong đó sẽ thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu; Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết; Phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; Tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới...
Giải pháp nữa được Bộ Công thương đưa ra là tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa… cần được đẩy nhanh thông qua việc ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục); Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, thời gian qua và trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã và sẽ hết sức cố gắng để có thể có được những phương án, giải pháp tốt nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và sinh hoạt, phấn đấu ở mức cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao.
"Bộ Công thương đã, đang và sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chú trọng công tác triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.