"Ngậm trái đắng” khi mua phải dụng cụ cơ khí Hitachi, Makita giả trên mạng xã hội
Chỉ chưa đầy một tuần phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nhận được hàng chục thông tin phản ánh của người tiêu dùng về việc họ đã “ngậm phải trái đắng” khi tin tưởng mua hàng hóa trên mạng xã hội thông qua các video, bài viết quảng cáo sản phẩm dụng cụ cầm tay như máy khoan, máy cưa, máy bulong đa năng... chạy bằng pin có tem nhãn của thương hiệu Hitachi, Makita, Bosch.
Theo phản ánh, sau khi đặt mua sản phẩm máy khoan, máy cưa, máy bulong đa năng... chạy bằng pin thì món hàng khách nhận được như “đồ hàng mã”, chạy chập chờn và không sử dụng được.
Bộ dụng cụ cơ khí cầm tay có dấu hiệu giả thương hiêuh Makita |
Điều bức xúc nhất là khi khách hàng phản ánh tình trạng của máy và muốn được bảo hành thì ngay lập tức bị chặn trên Facebook hoặc khi liên hệ đến số điện thoại trong thẻ bảo hành thì nhận được phản hồi “có thể bạn mua phải hàng giả”.
Ông V có địa chỉ thường trú tại Bắc Ninh sau khi xem video quảng cáo về sản phẩm máy cưa bằng pin nhãn hiệu Hitachi trên trang fanpage có tên “Mectop - Thiết bị cơ khí nhập khẩu” đã đặt mua bộ máy cưa 2 pin với giá 990.000 đồng và nhận được đơn hàng qua hãng vận chuyển Viettel Post.
“Khi đem sản phẩm ra sử dụng thì chỉ được 10 phút máy cưa đã dừng và có hiện tượng nóng pin. Mất một lúc lâu máy mới khởi động lại được nhưng cũng chỉ được vài phút lại bị dừng mà không cưa nổi một cành cây nhỏ”, ông V bức xúc cho biết.
Thông tin trên phiếu bảo hành hoàn toàn là thông tin "ảo" |
Hai trường hợp tương tự là anh L.D (trú tại Hải Phòng) và anh Q.H (trú tại Quảng Ninh) cũng mua sản phẩm máy bắt vít nhãn hiệu Hitachi và máy khoan tay nhãn hiệu Makita trên trang fanpage "Hadawa - Tiện ích gia đình" với giá trị gần 1 triệu đồng.
Anh H cho biết: “Tôi mua máy khoan chạy bằng pin về sử dụng thì không biết lỗi do đâu mà máy chỉ chạy vài phút là dừng hẳn, bấm nút nguồn thì chỉ sáng đèn. Tôi liên hệ với fanpage để hỏi thì không nhận được hồi âm, gọi điện cho số điện thoại ghi ở phần thông tin giới thiệu của fanpage họ nói lỗi có thể do pin và hứa sẽ đổi cho pin nhưng đợi mãi không thấy họ gửi. Tôi gọi lại thì liên tục báo bận. Tôi lại gọi vào số hotline được ghi trên phiếu bảo hành thì nhân viên nói bên họ có bán sản phẩm đó nhưng không bán trên mạng xã hội nên có thể tôi đã bị mua phải hàng giả... Xác định mình đã bị lừa mua phải hàng rởm rồi, nên tôi vào fanpage để cảnh báo cho những người khác thì ngay lập tức họ chặn không cho tôi tương tác được với fanpage đó nữa".
"Sào huyệt" của những fanpage bán sản phẩm có dấu hiệu hàng giả, kém chất lượng được báo Tuổi trẻ Thủ đô phát hiện |
Ngoài ông V, anh D, anh H thì cũng còn rất nhiều người khác phản ánh nội dung tương tự nhau là bị lừa mua phải dụng cụ cơ khí giả mạo, kém chất lượng mà không biết bảo hành và trả hàng ở đâu vì trên phiếu vận đơn của Viettel Post chỉ có số vận đơn và tên của page.
Để đi tìm sự thật về hình thức bán hàng có dấu hiệu lừa đảo này, phóng viên đã tìm hiểu các fanpage có tên: Mectop - Thiết bị cơ khí nhập khẩu; Thiết bị cơ khí chính hãng; Hadawa - Tiện ích gia đình; Hadawa - Cơ khí nhập khẩu Japan; Tổng kho dụng cụ cơ khí; Store cơ khí… Đặc điểm chung của các page này là thường xuyên chạy quảng cáo trên Facebook nhằm giới thiệu bằng hình ảnh và video sản phẩm cưa pin cầm tay Hitachi, máy mài pin Makita, máy khoan Bosch… và để chung số điện thoại liên hệ cũng như địa chỉ văn phòng.
Các sản phẩm rởm này sẽ được vận chuyển bằng đơn vị Viettel Post |
Đặc biệt quan sát hộp đựng dụng cụ cưa máy bằng pin kiểu “hàng mã” mà khách hàng mua thì thấy có dán nhãn Hitachi và bên trong còn có một tấm thẻ bảo hành có nội dung thông tin như sau: “Thẻ bảo hành - Công ty trách nhiệm hữu hạn Van Đô; Mã số thuế 0313742257; Số 6 KĐT Long Việt - Mê Linh - Hà Nội…”.
Qua tìm hiểu và xác minh thì mã số thuế 0313742257 được ghi trên tấm thẻ không phải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Van Đô mà của công ty khác và trên thực tế công ty Van Đô này cũng không hề tồn tại. Khi phóng viên tìm đến địa chỉ văn phòng “Số 6 KĐT Long Việt - Mê Linh - Hà Nội” thì phát hiện địa chỉ này cũng chỉ là “ảo”.
Vì tâm lý muốn mua sản phẩm giá rẻ của các thương hiệu cao cấp, nhiều “con buôn” đã lợi dụng tâm lý đó của người dùng để chuộc lợi cho mình mà nhập trôi nổi những dụng cụ cơ khí chưa được kiểm định tính an toàn với giá vô cùng rẻ sau đó sử dụng môi trường kinh doanh trên mạng xã hội để “tuồn” ra thị trường. Để thu hút chúng sử dụng những video giới thiệu sản phẩm chính hãng và chạy quảng cáo Facebook với chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển… Việc sử dụng những dòng máy cơ khí chạy bằng pin kém chất lượng và chưa được kiểm định tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi hàng giả, hàng nhái sẽ dễ dàng hỏng hóc chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, hơn thế nữa những bộ phận bảo vệ an toàn thường không có hoặc bị lỗi nên dễ gây tai nạn cho người dùng. |
Có thể thấy, hình thức bán sản phẩm của các page nêu trên có dấu hiệu lừa dối khách hàng theo hệ thống bài bản, tinh vi như việc để riêng 1 số điện thoại trong phiếu bảo hành, khi khách hàng gọi đến khiếu nại về sản phẩm thì chỉ cần trả lời theo mô tip: “Có thể chị mua phải hàng giả rồi nên bên em không bảo hành được”. Còn nếu khách hàng phản hồi trên page thì ngay lập tức sẽ bị chặn nick, xóa bình luận…
Bằng nghiệp vụ của mình phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phát hiện ra “sào huyệt” của những fanpage nêu trên và ngay lập tức liên hệ đến cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội để có biện pháp ngăn chặn.
(Còn nữa…)