Nên nội luật hóa quy định về thuế tối thiểu toàn cầu
Áp chung mức thuế với mặt hàng bia sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh Nguy cơ ngân sách thất thu, sụp đổ các thương hiệu bia Việt |
Sáng 10/11, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh |
Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Theo ông Mạnh, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để nhà đầu tư nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.
Các đại biểu tham dự kỳ họp |
Mặt khác, việc sớm ban hành nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của chúng ta trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Về mục đích và quan điểm ban hành nghị quyết, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh khẳng định, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí rằng cần sớm nội luật hoá việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam, phù hợp với thông lệ và xu thế thuế quốc tế đang được các nước triển khai.
Đồng thời, việc này cũng phù hợp với các định hướng và chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách thuế và hội nhập quốc tế; thể hiện sự rõ ràng về môi trường đầu tư tại Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của một số tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn đang hoạt động và muốn được kê khai nộp thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung tại Việt Nam, bắt đầu từ kỳ tính thuế 2024.