Nao lòng mưa tháng tư Hà Nội trong cái rét nàng Bân
Hà Nội lùi lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập gần nửa tháng |
Người trẻ háo hức đợi chờ “Tháng tư về, gió hát mùa hè”. Tuổi trẻ lúc nào chả mong muốn sự đổi thay, khác lạ. Suốt mấy tháng mùa xuân nồm ẩm, thời tiết khó chịu, những cơn gió hây hây mùa hè cùng cái nóng chưa kịp ùa về khiến ai nấy đều mong ngóng, đợi chờ.
Hồi bé, mỗi cữ tháng ba, ngồi trong phòng ấm, bên ánh đèn vàng, nghe gió thổi hun hút ngoài hiên, bao giờ mẹ tôi cũng chép miệng: "Thế là rét nàng Bân đã về. Sớm hơn thì đã chả hỏng mùa hoa xoài, hoa vải". Rồi bao giờ mẹ cũng ngâm nga: "Nàng Bân may áo cho chồng/ May ba tháng ròng chưa được ống tay..." và không quên câu nạt: "Mấy đứa con gái chúng mày, không biết đan lát thêu thùa nội trợ thì cũng đến ế chồng, bố mẹ chả làm trận rét cuối mùa được như cho con gái nhà trời đâu".
Sau cơn mưa rét nàng Bân, muôn ngàn lộc biếc sẽ xanh tươi đâm chồi đón mùa hè về với Hà Nội |
Nghe thế, lũ chúng tôi đều rụt cổ lại, cười le lưỡi. Một dạo, Hà Nội rộ lên phong trào đan khăn, áo, găng tay… Bẵng đi, mấy năm nay, các cô gái Hà thành không còn cái thú vui ngồi đan bên khung cửa sổ đầy nắng. Cũng phải thôi, có rất nhiều thú vui khác đang đợi chờ, nào thì chụp ảnh nào thì mạng xã hội mở ra đủ trò vui. Kể ra, nếu ai đó vẫn post ảnh chiếc rổ len với những que đan, với một cô gái ngồi xõa tóc bên chú mèo lười nữa thì đẹp đến mức nào.
Cái gì cũng vậy, kể cả là thú vui cũng sẽ chỉ là phong trào. Sau đợt gió mùa mạnh mẽ chóng đến chóng đi, thể nào ra ngoài ngõ cũng thấy hoa xoan tím, hoa gạo đỏ rụng bời bời, chúng tôi tha hồ nhặt chơi đồ hàng. Lại nghe bà hàng xóm đã già, rất già than thở: "Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn". Vì là đợt rét em út, nên ai cũng mong nó đến sớm, để kết thúc mùa rét, để thời tiết giao mùa chỉ còn là se se, và đón một mùa mới về. Còn với người già, cứ một mùa rét qua đi là thấy nhẹ lòng. Sức già được bao nhiêu mà chống chịu với giá buốt, mưa phùn. Một mùa qua đi, cũng như thêm một tuổi trời.
Nhiều năm trở lại đây, đi ra ngoại thành Hà Nội tôi hay để ý đến những hàng hoa xoan tím bàng bạc. Cữ này năm nay hoa xoan đã rụng rồi. Hình ảnh hàng gạo đỏ bên chùa Hương, chùa Thầy và vùng ven đô thi thoảng vẫn được mọi người chia sẻ trên Facebook khiến rất nhiều người nao lòng.
Những góc hoa gạo đỏ đẹp nao lòng của Hà Nội |
Cơ mà, sau một năm dịch bệnh, tình hình đến nay tạm ổn nhưng thú vui thích lên là phải đến bằng được nơi mình cần cũng đã đổi thay. Nếu như các năm trước, kiểu gì cũng rầm rộ rủ nhau đi bằng được, đến bằng được chỗ bạn mình đã check-in để chụp, thì năm nay có vẻ như các bạn trẻ đã biết “tém tém” lại bớt nhu cầu. Ngắm ảnh trên mạng xã hội cũng thấy vui vì chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn. Giảm bớt đi lại, tụ tập cũng là một cách để giảm nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể lây lan ra bất cứ lúc nào. Vì chúng ta còn rất nhiều mùa xuân, nhiều đợt rét nàng Bân khác bình yên đang chờ mình phía trước.
Đi trên đường phố Hà Nội những ngày này nhớ ngước nhìn lên vòm trời xanh nhẹ. Những cơn mưa tháng tư đang chuẩn bị gọi mùa hoa sấu về rì rầm, khẽ nở. Rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ vài tuần nữa thôi, có thể là ngay sau nghỉ lễ 30/4, từng chùm bằng lăng đã gọi nhau xòe bộ cánh mỏng manh tím ngắt của mình trên những tán lá xanh.
Thế là, khắp các nẻo đường Giải Phóng, Láng Hạ, Hoàng Quốc Việt đến vòng quanh bờ Hồ, dọc theo đường Thanh Niên, loài hoa đầu tiên báo hiệu mùa hè đã theo mưa về với Hà Nội. Sau hiệu lệnh này, chả mấy chốc nữa mà đàn ve sẽ cất lên những bản tình ca sôi động, hòa với sắc đỏ của hoa phượng, đốt mùa hè, mùa thi thành những đốm lửa hi vọng lung linh trong mắt cũng như niềm âu lo, thấp thỏm của bao sĩ tử dồn về Hà Nội.
Với người dân xứ Đoài thì mưa tháng tư còn có ý nghĩa hơn. Cứ vào dịp gần mồng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm, trước ngày hội chùa Tây Phương và chùa Thầy, trời thể nào cũng đổ mưa to. Người quê tôi gọi là “mưa rửa núi”. Trời trút nước ào ào xuống rửa núi Thầy (chùa Thầy) hay núi Câu Lậu (chùa Tây Phương) để chính hội chùa được diễn ra trong sạch sẽ, thanh tịnh.
Sau cơn mưa rửa núi, dân làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) và các vùng lân cận nô nức trong cảnh “Nhớ ngày mồng sáu tháng ba/ Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây”. Chùa Tây Phương là ngôi chùa cổ thứ hai (sau chùa Dâu) ở Bắc Bộ và cũng là một trung tâm tín ngưỡng mà nhiều thế hệ người Việt đến thành kính, lễ bái. Quanh năm du khách thập phương và người dân đến đây thắp nhang lễ Phật, nhưng vào chính hội, lượng người đổ về đây rất đông.
Vượt qua hơn 200 bậc đá ong đặc trưng xứ này, ngôi chùa có niên đại hơn nghìn năm lịch sử hiện ra trước mắt với kiến trúc độc đáo, nhiều mái đao cong vút, cổ kính. Đặc biệt, chùa có bộ tượng Phật gồm 72 pho tượng quý và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng, khiến nhà thơ Huy Cận năm 1960 sau khi đến thăm chùa đã làm bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” khiến bao nhiêu người Việt đã học, đã đọc và ghi nhớ trong lòng.
Khác với chùa Tây Phương, chùa Thầy nằm trên núi Thầy rộng lớn. Dưới chân núi Thầy có hồ Long Trì, thủy đình và hai cây cầu Nguyệt Tiên kiều, Nhật Tiên kiều cong cong nổi tiếng. Lên được đỉnh núi Thầy, du khách phải vượt qua 251 bậc đá uốn lượn quanh những vách đá vôi hình thù đẹp mắt.
Nhiều năm nay, người dân nơi đây rất mong những trận mưa rửa núi, vì chỉ có mưa to xối xả cùng với gió mạnh mới có thể cuốn trôi được hết rác rưởi du khách xả ra trên đường lên chùa trôi vào lòng núi, để hội chùa diễn ra từ mồng 5 đến mồng 7 tháng 3 với lễ tắm tượng, lễ cúng Phật và chạy đàn được diễn ra linh thiêng, trong sạch, để chùa Thầy vẫn là địa danh Phật giáo nổi tiếng trong thơ ca và trong tâm linh người Việt như bao đời nay. Sau đó, còn một trận mưa to nữa, đó là trận “mưa cất núi”, trả lại sự thanh sạch cho chùa sau những ngày lễ hội.
Đã bao nhiêu năm tháng đi qua, những đứa trẻ lớn lên, những người già mất đi, bao sự đổi thay đến chóng mặt của thành thị, nông thôn… Chỉ những cơn mưa tháng tư vẫn vậy, vẫn mang đến những cảm thức mùa thật rõ rệt với những vòng quay vô định của thời gian. Một tháng tư nữa lại về, những cơn mưa tháng tư đang rì rầm kể chuyện.
Bài 3: Cần bịt ngay những “lỗ hổng văn hóa ứng xử” |
Bài 2: Dư luận lên án gay gắt những hành vi vô văn hóa bên hồ Tây thơ mộng |
Bài 1: Buồn vì lối ứng xử kém văn minh |