Nâng tầm kỹ năng nghề cho lao động Việt Nam
Niềm tự hào Việt Nam trên sân chơi quốc tế
Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới 2 năm tổ chức một lần được xem là sân chơi lớn nhất, quy mô toàn cầu dành cho các học sinh, sinh viên chuyên học nghề.
Đoàn Việt Nam gồm 11 thí sinh tham dự ở 10 nghề bao gồm cơ điện tử, điện toán đám mây, lắp cáp mạng thông tin, công nghệ nước, lắp đặt điện, phay CNC, tiện CNC, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và thiết kế các kiểu tóc.
Đoàn Việt Nam giành được hai huy chương bạc ở các nội dung phay CNC và tiện CNC tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022 |
Kết quả bước đầu, thí sinh Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Xuân Thái đến từ Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso (TP Hà Nội) đã xuất sắc giành 2 huy chương bạc cho nghề phay CNC và tiện CNC.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá đây là thành tích chưa từng có với đoàn Việt Nam dự thi Kỹ năng nghề thế giới cho tới thời điểm này.
Ông Nguyễn Chí Trường cũng cho biết thêm 11 thí sinh đoàn Việt Nam tham gia đều được các chuyên gia đánh giá rất cao. Cả tay nghề, kỹ năng đều thể hiện sự vượt trội cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Năm nay đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới ghi nhận sự tham gia rất sâu từ phía các doanh nghiệp. Họ cử nhiều chuyên gia trong từng lĩnh vực đến các cơ sở giáo dục huấn luyện thí sinh, trang bị các công nghệ mới. Thậm chí, một số doanh nghiệp sẵn sàng lo tài chính cho thí sinh ra nước ngoài tập huấn.
Thành tích này cũng thể hiện công tác phát triển kỹ năng nghề của Việt Nam đang đi đúng hướng, đó là xã hội hóa các kỳ thi, đặc biệt là kêu gọi, thu hút sự tham gia của các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ nhằm giúp nâng tầm kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất.
"Điều này cho thấy các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc phối hợp cùng trường nghề để có được nhân lực có tay nghề cao", ông Trường nói.
Đây cũng là thành quả của sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo đội ngũ công nhân có đủ tâm, kỹ năng nghề nghiệp và thể chất, từ đó góp phần vào sự phát triển của xã hội và đất nước Việt Nam.
Hướng đến mục tiêu chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động
Tuy nhiên, trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ ở nước ta chiếm đa số với gần 74% trong lực lượng lao động, riêng trong năm 2021, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%, quý II năm 2022 mới chỉ đạt 26,2%.
Sự thiếu hụt nhiều ở kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới.
Nâng tầm kỹ năng nghề cho lao động Việt Nam |
Do đó, chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động là một trong những mục tiêu của dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.
Theo dự thảo, mục tiêu của Đề án là chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động giúp hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng lực lượng lao động Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước ASEAN – 4 và tiếp cận các nước phát triển.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án đã nêu ra 8 nhóm giải phát cụ thể. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nướcvề phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong thời kỳ mới; Bao gồm nhóm thể chế, chính sách chung và nhóm chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với người lao động, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề và doanh nghiệp.
Thứ hai, tổ chức thông tin, tuyên truyền, tôn vinh về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chuẩn hóa và phát triển kỹ năng lao động. Thứ tư, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ năm, thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệpvà hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp. Thứ sáu, phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, chuyên gia trình độ kỹ năng nghề cao.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về phát triển kỹ năng lao động Việt Nam và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Thứ tám, tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng kết kết quả nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.