Nắng nóng, người già, trẻ nhỏ nhập viện tăng mạnh
Gia tăng người già đột quỵ nhập viện
Ghi nhận tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám, nhập viện cấp cứu tăng trong tháng 7 đang tăng gấp 3 lần ngày thường, chủ yếu là đột quỵ não, viêm phổi, rối loạn điện giải do đổ mồ hôi nhiều.
Ngoài các ca đột quỵ do hoạt động ngoài trời say nắng, có nhiều ca rối loạn điện giải, do trời nắng người già uống nước kém, cộng với mồ hôi ra nhiều làm mất nước; hoặc có nhiều ca viêm phổi do thay đổi môi trường đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài nắng nóng…
Bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương |
Những người già sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người ở vùng nông thôn do phải chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn.
Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.
BS Đình Thắng, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, các gia đình cần lưu ý dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ ở người cao tuổi để phát hiện kịp thời. Cụ thể như: Nói khó, cầm nắm không vững…, ho, sốt, hay tình trạng thay đổi ý thức, huyết áp tăng, buồn nôn chóng mặt, hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng cần đến bệnh viện khám, không tự điều trị tại nhà hoặc tối thiểu cần tham vấn nhân viên y tế trong điều trị.
Thời điểm "vàng" điều trị đột quỵ là càng đến viện sớm càng tốt, từ 4-6h giờ đầu tai biến. Khi xuất hiện các triệu chứng trên gia đình đưa người bệnh đến viện ngay, không ử dụng biện pháp dân gian như xoa bóp, bấm huyệt, chích máu đầu ngón tay.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những ngày nắng nóng người cao tuổi cần tránh các hoạt động ngoài trời từ 10 -16h, đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng cực điểm.
Trong ngày nắng nóng, các gia đình đều sử dụng điều hoà liên tục tuy nhiên với những gia đình có người già, trẻ nhỏ thì cần lưu ý nhiệt độ điều hoà. Theo đó, nên để nhiệt độ từ 27-29 độ và có thêm quạt thông gió, máy tạo ẩm.
Người cao tuổi cần chú ý hạn chế thay đổi môi trường đột ngột, ví như từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, để tránh biến chứng nặng, khi có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế ngay, không chần chừ gây hạn chế trong chẩn đoán và điều trị….
Các ca mắc tay chân miệng, cúm A tăng mạnh
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội là 1.028 ca (tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2021) nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, số người mắc cúm A hiện đang gia tăng, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền, cá biệt có một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Tại một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh xuất hiện chùm ca bệnh cúm A gồm 20 công nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngoài ra còn nhiều người khác có triệu chứng tương tự.
Bệnh viện này ghi nhận bệnh nhân nữ (78 tuổi), sống tại Chương Mỹ, Hà Nội nhập viện được chỉ định suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và cho thở máy.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 7, thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, tại 23/30 quận, huyện, thị xã.
Để phòng dịch cúm A, theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng cúm A nhằm giảm bớt mức độ nặng của bệnh. Khi có các triệu chứng như sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi, diễn biến nặng hơn là viêm phổi, bệnh nhân cần được chẩn đoán để phân biệt với mắc COVID-19.
Trong giai đoạn mùa dịch, mỗi người dân cần có biện pháp để bảo vệ đường hô hấp trên, nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân có biểu hiện cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi...
Trẻ nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương |
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì tay chân miệng cũng gia tăng. Hầu hết bệnh nhân nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng số ca mắc đã hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đa phần trẻ nhỏ mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ tuy nhiên cũng có một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Do đó, các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ tuyệt đối không được chủ quan đối với phòng bệnh, phát hiện bệnh của con em mình, cần chủ động đưa con đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.
Trước sự gia tăng các trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A… những ngày này, Thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp, nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.