Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, tổ chức Hội thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN”
Bài liên quan
Bảo hiểm thất nghiệp: “Bà đỡ” của doanh nghiệp và người lao động
Bảo hiểm thất nghiệp: Chính sách an sinh hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp
BHXH Hà Nội: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Quy trình chuyển cơ quan BHXH quản lý khi thay đổi địa điểm kinh doanh
“Gỡ khó” cho công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp
Xây dựng đề án là hết sức cần thiết
Tham dự và chủ trì Hội thảo có Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, Phó Cục trưởng Tào Bằng Huy cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Cục và đại diện 20 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khu vực miền Bắc.
Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN”.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chỉ rõ tầm quan trọng của BHTN. Chính sách BHTN là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chỉ rõ tầm quan trọng của chính sách BHTN |
“Chính sách BHTN là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động... Chính sách này là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động”, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình phát hiểu tại Hội thảo.
Sau hơn 10 năm thực hiện, kết quả thực hiện chính sách cho thấy số người tham gia BHTN liên tục tăng qua từng năm, vượt so với dự kiến, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nếu năm 2009 mới chỉ có hơn 5,9 triệu người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có trên 10,3 triệu, tăng 11,8% so với năm 2014; Năm 2016 có trên 11,06 triệu người tham gia, tăng 7,3% so với năm 2015; Năm 2017 có hơn 11,77 triệu người tham gia, tăng 8,1% so với năm 2016; Năm 2018 có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017; Năm 2019 có 13.429.401 người tham gia; Đến hết tháng 3/2020, con số này đã cán mốc 13,06 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 88% người tham gia BHXH bắt buộc. Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm. Tính đến thời điểm năm 2019, tổng số tiền thu BHTN là 17.405 tỷ đồng
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh: “Trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam thời gian qua, nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Chính sách này giúp họ có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí... trong khi chờ kiểm soát dịch bệnh”.
Trong ba tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp tại nước ta, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi các chế độ BHTN là hơn 2.700 tỷ đồng. Riêng trong tháng ba, cơ quan này thực hiện khoản chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 240.519 lượt người, với số tiền là 904 tỷ đồng, tăng 11% về lượt người và 20% về kinh phí so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 54.049 người hưởng mới (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019) với số tiền là 184 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cũng chỉ ra một số mặt hạn chế mà BHTN chưa đạt được. Cụ thể, chính sách BHTN vẫn chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm, tránh bị sa thải; Đối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vì đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao; Chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề.
Bên cạnh đó, Quỹ BHTN chưa được sử dụng để chi cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề; Kể cả việc thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, nhất là các dữ liệu việc làm trống, phục vụ cho người thất nghiệp. Nhận thức về BHTN của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao, chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình; Ý thức chấp hành luật pháp nói chung và về BHTN nói riêng còn hạn chế, dẫn đến ảnh hưởng quyền và lợi ích của người lao động…
Nhiều ý kiến góp phần xây dựng đề án hiệu quả và đồng bộ
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra ý kiến đóng góp hoàn thiện Đề án, đồng thời nêu ra các yêu cầu để khi được thông qua, đặc biệt là trách nhiệm của địa phương, Trung ương trong việc thực hiện để các Đề án có thể thực hiện và phát huy hiệu quả.
Ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội Thanh Hóa cho biết: “Mặc dù trong báo cáo đã có đánh giá rất cụ thể nhưng quan trọng nhất vẫn là việc hỗ trợ cho người lao động quay trở lại tìm kiếm việc làm, tìm kiếm thị trường lao động. Đối với việc này đòi hỏi công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cần được quan tâm nhiều hơn. Do đó cần tính toán, xác định mục tiêu để nâng tỷ lệ hỗ trợ, đào tạo nghề tăng lên. Với trường hợp người lao động bị mất việc làm, cần xem lại cách đào tạo nghề như thế nào, ngành nghề được đào tạo ra sao. Đồng thời người lao động cũng cần tự ý thức đánh giá lại bản thân, từ đó nắm rõ, nâng cao, tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Có thể nói, BHTN là chính sách sớm đi vào cuộc sống và đạt được những hiệu quả nhất định, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia. Tuy nhiên, đối với một số tỉnh miền núi có đặc thù khó khăn như Bắc Kạn, hiện nay vẫn còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc về công tác cán bộ, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao tay nghề, thiếu các chính sách phòng ngừa, duy trì việc làm cho người lao động.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Công tác tổ chức cán bộ như hiện nay đối với trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện chức năng và chính sách BHTN đang gặp vấn đề vướng mắc, biên chế thì ít, lực lượng để thực hiện chế độ chính sách của bảo hiểm chủ yếu là hợp đồng.
Theo quy định hiện nay không sử dụng lao động hợp đồng để làm công tác chuyên môn thì đây là một bất cập rất là khó cho các đơn vị thực hiện. Có thể thấy số lượng người thất nghiệp ngày một tăng, khối lượng công việc lớn khiến chúng tôi rất khó khăn. Để cán bộ trung tâm việc làm yên tâm làm việc, tôi rất mong muốn “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN” có những giải pháp cụ thể hoặc cơ chế chính sách phù hợp với những người lao động này để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách BHTN còn một số hạn chế như: Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để năng cao tay nghề, duy trì việc làm cho lao động. Đến nay, không riêng gì tỉnh Bắc Kạn, mà các doanh nghiệp ở một số tỉnh thành khác để tiếp cận được nguồn kinh phí này cũng rất khó khăn. Chúng ta cũng đang thiếu các chính sách phòng ngừa, duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó, còn nhiều bất cập khác trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng BHTN; Kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi BHTN…
Hội thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN” đặt ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện BHTN, mức độ hài lòng của người lao động. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm việc thực hiện BHTN thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả BHTN, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành.