Nâng cao kiến thức pháp luật và hoạt động công đoàn
Các đại biểu tham dự buổi đối thoại |
Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến |
Với chức năng là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, diễn đàn của công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, tận dụng thế mạnh về truyền thông, thời gian qua, Báo Lao động Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với các công đoàn cấp trên cơ sở của thành phố Hà Nội đẩy mạnh tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến để góp sức cùng tổ chức Công đoàn Thủ đô tuyên truyền, phố biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh cho biết, chủ đề buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức về pháp luật lao động để từ đó nghiêm túc chấp hành, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động. Đặc biệt, thông qua chương trình này, đoàn viên, NLĐ hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức Công đoàn, từ đó tin tưởng, gắn bó và ủng hộ các hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại |
Chị Đàm Thị Kim Dung, Công ty Goshi Thăng Long, hỏi: "Tôi được biết đến tuổi nghỉ hưu thì chế độ tính hưởng lương hưu của công nhân lao động và những người làm hành chính sự nghiệp có sự khác nhau. Công nhân nghỉ hưu hàng tháng được lĩnh lương tính bằng bình quân lương hàng tháng kể từ năm bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho đến khi đủ năm nghỉ hưu theo quy định của nhà nước. Khối hành chính sự nghiệp sẽ tính trung bình 5 năm cuối đóng bảo hiểm. Xin chuyên gia cho biết tại sao lại có sự khác biệt?".
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội giải đáp: Luật BHXH năm 2014, bổ sung 2016, đã quy định việc chi trả lương theo 2 nhánh: NLĐ được chi trả theo ngân sách Nhà nước và NLĐ được chi trả tiền lương bởi người sử dụng lao động. Do vậy, quy định hưởng lương theo chế độ BHXH cũng khác nhau.
Đối với chế độ tiền lương được hưởng theo ngân sách Nhà nước sẽ được hưởng theo chế độ Nhà nước quy định, theo ngạch. Do đó, quá trình làm việc, chế độ tiền lương, BHXH cũng sẽ được hưởng theo cả quá trình liên tục và đã được quy định cụ thể.
Còn đối với NLĐ được hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả thì chưa có con số cụ thể. Hơn nữa, có nhiều nơi, NLĐ làm việc không liên tục, trong quá trình làm việc các doanh nghiệp chi trả khác nhau, việc chi trả để nộp vào Quỹ BHXH cũng khác nhau, do đó chế độ tính tiền lương cũng khác nhau. Đây là việc chi trả theo tính lịch sử, chi trả theo giai đoạn. Thời gian tới, dự thảo về quy định định tiền lương, hưởng lương hưu cũng sẽ có sự điều chỉnh.
Người lao động tham gia đặt câu hỏi |
Chị Hà Thị Kim Thơm, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long, hỏi: Hiện nay, các công ty đang có xu hướng sử dụng lao động thời vụ, lao động thuê lại. Vậy những lao động này có được được hưởng quyền lợi công bằng như lao động chính thức không?
Giải đáp thắc mắc, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động, hiện có 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng không xác định thời hạn (trên 36 tháng) và hợp đồng xác định thời hạn (36 tháng). NLĐ khi thực hiện giao kết 2 loại hợp đồng này đều được đảm bảo tất cả quyền lợi như nhau về chế độ, chính sách tiền lương, BHXH đã được quy định cụ thể trong hợp đồng, do NLĐ và chủ sử dụng lao động thương lượng với nhau. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn có ràng buộc quan hệ trong lao động trước pháp luật cao hơn, NLĐ có thể cảm thấy yên tâm hơn. Đối với những lao động thuê lại, chỉ có một vài ngành nghề cụ thể được phép cho thuê lại lao động. Tất cả quyền lợi về chính sách, chế độ, đơn vị phụ trách cho thuê phải chịu trách nhiệm.
Chuyên gia trả lời câu hỏi của công nhân lao động |
Sau gần 3 giờ, buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến đã nhận được gần 30 câu hỏi liên quan đến các chế độ, chính sách đối với NLĐ như: tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, BHXH, tuổi nghỉ hưu, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động…, giúp NLĐ nâng cao kiến thức pháp luật.