Nâng cao hiểu biết về lũ quét và sạt lở đất để chủ động phòng ngừa
Liên tiếp xuất hiện các tổ hợp thời tiết bất lợi
Từ đầu tháng 10 đến nay, bão, mưa, lũ dồn dập xảy ra tại một số tỉnh miền trung với nhiều con số kỷ lục về lượng mưa, mức lũ. Tuy chúng ta đã chủ động phòng, chống nhưng tính đến hiện tại, thiên tai đã làm 166 người chết, 64 người mất tích cùng rất nhiều thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, chỉ trong một thời gian ngắn, các tỉnh khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã phải hứng chịu một lượng mưa lớn chưa từng thấy. Tổng lượng mưa đo được cả đợt từ 1.000 đến 2.000 mm, có nơi 2.000 đến 3.000 mm, cao gấp ba đến năm lần so trung bình nhiều năm cùng thời điểm.
Tại một số nơi, lượng mưa lớn chưa từng thấy trong lịch sử như Khe Sanh 2.451 mm so trung bình nhiều năm là 329 mm, Huế 2.370 mm so trung bình nhiều năm là 494 mm... Phổ biến, lượng mưa nhiều khu vực đã vượt so trung bình nhiều năm từ 100 đến 200%; thậm chí ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhiều nơi còn vượt 300 đến 400% so trung bình nhiều năm.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các tỉnh khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã phải hứng chịu một lượng mưa lớn chưa từng thấy gây ngập lụt trên diện rộng |
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đợt thiên tai vừa qua khốc liệt hơn đợt thiên tai lịch sử năm 1999 xảy ra ở miền trung. Chỉ trong vòng một tháng từ ngày 10/10, đã có sáu cơn bão liên tiếp ập vào các tỉnh miền Trung, trong đó bão số 9 có cường độ mạnh nhất trong 20 năm qua, lượng mưa cũng lớn hơn cơn bão năm 1999. Riêng tại Trung Trung Bộ, do mưa lớn liên tiếp từ hoàn lưu các cơn bão số 6, 7, 8 đã gây lũ chồng lũ khắp các sông suối hầu hết mực nước vượt qua mức lũ lịch sử các năm 1979, 1999.
Đáng nói, lũ lên cao cùng với tình trạng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng tại nhiều nơi đã làm 130 người chết và 18 người mất tích, trong đó, riêng sạt lở đất làm chết 64 người…
Trong khi các tỉnh Trung Bộ đang gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai thì bão số 9 đổ bộ vào vùng Nam Trung Bộ, làm 36 người chết và 46 người mất tích, trong đó riêng tỉnh Quảng Nam có 27 người chết, 20 người mất tích, chủ yếu do sạt lở đất. Hoàn lưu bão gây mưa to ảnh hưởng ra tận Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, gây thiệt hại không nhỏ tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của bão trong tháng 10 đã làm hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập, hư hỏng; hàng triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông khiến công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thêm khó khăn. Điều đáng lo ngại là, hiện nay đang có hai cơn bão đang xuất hiện ngoài khơi, trở thành cơn bão số 12 và 13, hướng đổ bộ dự báo lại là Trung Bộ, Nam Trung Bộ...
Lý giải về việc mưa lũ ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan, đồng chí Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết: Từ đầu năm 2020, do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, cuối năm lại chịu tác động của hiện tượng La Nina, thời tiết ở các khu vực trong cả nước có những diễn biến khá phức tạp, nắng nóng gay gắt đầu năm, bão và mưa lớn dồn dập vào cuối năm.
Trong khi các tỉnh miền Trung đang gồng mình khắc phục hậu quả mưa, lũ thì theo dự báo, từ nay cho đến hết năm, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng ba đến năm cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng hai đến bốn cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.
Chủ động phòng, chống để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra
Bài học kinh nghiệm từ những đợt mưa, lũ trước, cùng thực tiễn cho thấy, chủ động phòng, chống tốt luôn là giải pháp tối ưu để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Theo đó, người dân cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển...
Đặc biệt, người dân cần chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất. Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.
Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: Đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận; Mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: Nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…
Trận lũ quét, sạt lở đất ở Hà Giang hồi tháng 7 vừa qua gây thiệt hại nặng nề với cơ sở hạ tầng |
Đối với chính quyền địa phương cần chú ý, vì đa số người dân tại những khu vực dễ xảy ra sạt lở thường sinh sống ở đây rất lâu đời và chưa từng xảy ra những sự việc tương tự nên thường chủ quan, khi được cảnh báo di dời thường chần chừ và ngại di dời. Chính vì vậy, trong trường hợp cần thiết phải di dời có thể dùng biện pháp cưỡng chế.
Đối với lũ quét, đây là một loại lũ đặc biệt lớn, dòng chảy xiết, có hàm lượng chất rắn cao và sức tàn phá lớn. Đặc điểm chính của lũ quét là chứa lượng vật rắn rất lớn, thường chiếm 3-10%, thậm chí trên 10% nên còn được gọi là lũ bùn đá.
Lũ quét thường xảy ra khi có lượng mưa lớn và kéo dài ở lưu vực các sông suối nhỏ miền núi, có độ dốc lớn, mặt lưu vực bị phong hoá mạnh, kết cấu kém. Lũ quét thường xảy ra trong thời gian ngắn (3-6h), vào ban đêm và sáng sớm, trong các tháng mùa lũ. Hiện nay chưa có khả năng dự báo được lũ quét.
Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Ở các khu vực thường xảy ra lũ quét cần được nghiên cứu kết hợp với việc quy hoạch khai thác trị thuỷ, xây dựng các hồ chứa nước nhiều tác dụng như: chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát điện, kết hợp với việc điều hoà lũ, phòng chống lũ quét.
Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, cần có các phương án cụ thể để phòng tránh; Chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét; Có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em.
Thiên tai thường xảy ra bất ngờ nên mỗi người dân cần nắm chắc và làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh. Cơ quan chức năng cần thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân.