Năm thứ ba liên tiếp, Hà Nội nằm trong top 10 về chỉ số PCI
Phát biểu tại buổi công bố, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho hay, điều tra PCI 2020 được thực hiện trong bối cảnh rất đặc biệt, khi dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng nặng nề cho doanh nghiệp và nhiều địa phương tại Việt Nam phải đối diện với các thảm họa thiên tai. Dù vậy, qua khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao phản ứng của Chính phủ và các địa phương với các biến cố này, nhằm bảo vệ sinh kế cho người dân.
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi Lễ công bố PCI 2020 |
Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire bày tỏ PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh thành.
“Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng” - Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ.
Xếp hạng PCI năm 2020, khoảng cách giữa các địa phương đã được rút ngắn |
Thông tin chi tiết về kết quả PCI năm nay, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI), Giám đốc dự án PCI cho biết, tỉnh Quảng Ninh năm thứ 4 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI và là tỉnh đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay có điểm số 75/100 điểm. Tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương, cam kết cao và bài bản là ưu thế của Quảng Ninh, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.
Trong “top 10” địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương… xếp các thứ hạng lần lượt. Đáng chú ý, với 66,93 điểm, Hà Nội cũng trong top này, xếp vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Hà Nội trụ vững ở vị trí này.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội được đánh giá cao về chất lượng cơ sở hạ tầng, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cùng với 9 địa phương khác, Hà Nội thuộc nhóm có chất lượng điều hành được đánh giá tốt nhất Việt Nam theo điều tra PCI. Tuy nhiên, nhìn vào điểm số của các tỉnh, thành phố có thể thấy, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, đòi hỏi quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương không được dừng lại, cần bền bỉ, kiên trì.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong điều hành của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn địa phương có nhiều cải cách hơn nữa. Kết quả PCI cho thấy, cứ 4 doanh nghiệp trả lời thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái doanh nghiệp Nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân; 1/3 doanh nghiệp phản hồi địa phương ưu ái doanh nghiệp FDI hơn; 45% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức; 54% doanh nghiệp cho biết còn bị cán bộ nhũng nhiễu; 20% cho rằng cán bộ địa phương yếu kém, giải quyết công việc không hiệu quả; 3% doanh nghiệp bị kiểm tra trên 5 năm mỗi năm… đòi hỏi chính quyền địa phương phải thay đổi, cải cách, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.
Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Quảng Ninh: Tiếp tục cải thiện thực chất chỉ số PCI Hà Nội đạt mục tiêu nằm trong top 10 về cải thiện chỉ số PCI Hà Nội cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh |