Mưa đá, dông lốc gây thiệt hại tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc
Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp gió hội tụ trên cao 1.500m đã gây ra mưa đá, gió lốc tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề cho khu vực này
Bài liên quan
Các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do mưa đá, dông lốc
Chương trình NTM khu vực miền núi phía Bắc có ý nghĩa chiến lược, quan trọng
603 xã ở khu vực miền núi phía Bắc về đích nông thôn mới
Những mặt tích cực và hạn chế sau 10 năm thực hiện Nông thôn mới tại vùng núi phía Bắc
Chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường, cực đoan
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hội tụ trong đới gió tây trên cao, ngày 25/3 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa rào và dông (lượng mưa phổ biến 10 đến 30mm/24 giờ), riêng vùng núi có nơi mưa vừa, mưa to (lượng mưa 40 đến 80mm/24 giờ). Trong cơn dông đã xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Tối 24/3, rạng sáng 25/3, tại một số địa phương thuộc tỉnh Lai Châu đã xảy ra mưa đá kèm theo gió lốc, làm tốc mái, hư hỏng vật dụng gia đình, chuồng trại chăn nuôi và hoa màu của hơn 1.000 hộ dân. Tại các huyện Tân Uyên, Phong Thổ, Than Uyên, mưa đá kèm theo giông lốc kéo dài đã gây thiệt hại về nhà cửa và hoa màu. Chính quyền các địa phương đang chỉ đạo các xã, bản rà soát, thống kê những gia đình có thiệt hại nặng do trận mưa đá kèm theo dông lốc để có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Cùng lúc, mưa lớn cũng xuất hiện tại các huyện ở tỉnh Lào Cai như Bảo Yên, Bắc Hà, TP Lào Cai, thị trấn Sa Pa. Tại Lào Cai, sáng 25/3, nhiều khu vực có mưa rào và dông trên diện rộng; một số nơi có mưa đá trút xuống dữ dội, hạt đá rơi dày đặc, kèm theo gió lốc mạnh đã gây nhiều thiệt hại về nhà ở, tài sản, cây trồng và hoa màu các loại. Trong cơn dông đã có sét, khiến một người chết ở thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải, huyện Sa Pa khi đang làm trên nương.
Rạng sáng 25/3, tại huyện Quang Bình (Hà Giang) đã xảy ra mưa to, mưa đá với mật độ dày, kèm theo lốc. Theo thống kê, có hai nhà bị sập và tốc mái, hàng chục héc-ta lúa, lạc, ngô bị ảnh hưởng, dập nát. Huyện đã chỉ đạo các xã huy động nguồn lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Tại một số địa phương thuộc tỉnh Lai Châu đã xảy ra mưa đá kèm theo gió lốc, làm tốc mái, hư hỏng vật dụng gia đình, chuồng trại chăn nuôi và hoa màu của hơn 1.000 hộ dân |
Tại tỉnh Bắc Kạn, từ đêm 24 đến chiều 25/3 có mưa to, gió lốc đã làm tốc mái 69 nhà dân ở các xã: Xuân Lạc, Ðồng Thắng, Phương Viên, Ngọc Phái (Chợ Ðồn), trong đó, có ba nhà thiệt hại hơn 70%; mực nước tại các sông, suối dâng cao, vùi lấp 0,7ha lúa tại xã Ngọc Phái (Chợ Ðồn) và ngập úng 100ha ngô tại xã Khang Ninh (Ba Bể). Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 600 triệu đồng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa đá, dông, lốc đã làm sáu nhà ở bị tốc mái, 12,8ha lúa cùng 54ha hoa màu bị đổ gãy; nhà văn hóa thôn Bùn Dạo, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại ban đầu khoảng 1,1 tỷ đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hai huyện Văn Yên, Lục Yên huy động lực lượng tại chỗ, khẩn trương giúp các gia đình bị nạn nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Tính đến ngày 25/3, mưa dông, gió lốc và mưa đá tại Sơn La đã làm 1.236 nhà bị hư hại, trong đó 5 nhà sập đổ, hư hỏng hoàn toàn, 5 điểm trường tại Vân Hồ, Mộc Châu, Quỳnh Nhai bị ảnh hưởng; 227m kênh thủy lợi bị vùi lấp, hàng trăm héc-ta hoa màu bị hỏng, ước thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Các địa phương tập trung hỗ trợ các gia đình sửa chữa lại nhà cửa, riêng với 5 hộ gia đình bị sập đổ nhà hoàn toàn được hỗ trợ tiền và vận động nhân dân quyên góp giúp đỡ làm nhà mới.
Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, trong ngày 25/3, tại các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình có mưa rào kèm dông lớn, có nơi mưa rất to, đã làm 81 nhà ở của người dân bị hư hỏng, tốc mái, trong đó có một nhà dân tại xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa bị sập hoàn toàn; hơn 3ha lúa bị dập; hơn 10ha ngô bị gãy đổ; 5 cột điện 0,4kV tại huyện Chiêm Hóa bị đổ.
Từ ngày 26/3, mưa giảm, khu vực quay trở lại trạng thái nắng nóng với nền nhiệt cao nhất ở ngưỡng 30 - 32 độ C. dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho thấy, từ nay đến hết tháng 4, miền Bắc sẽ đón thêm 3 - 5 đợt không khí lạnh có cường độ yếu, chủ yếu nén rãnh áp thấp từ phía Bắc gây ra các đợt mưa rào và dông. Trong thời gian đó, các tỉnh miền núi và trung du tiếp tục có nguy cơ xảy ra mưa đá và dông lốc.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ hiện vẫn là thời kỳ mùa khô, mặc dù một số nơi bắt đầu có tín hiệu mưa dông cục bộ, mức độ hạn chỉ tạm thời không gia tăng nghiêm trọng nhưng cũng chưa có dấu hiệu giảm bớt.