Một số nước Châu Âu tái áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội
Nguy cơ bùng phát đợt dịch tiếp theo
Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại khu vực Châu Âu cho rằng số ca Covid-19 tăng vọt và tỷ lệ nhập viện ở lục địa già cao hơn các khu vực khác do tốc độ tiêm chủng chậm lại và việc các quốc gia nới lỏng những biện pháp cách ly xã hội, y tế công cộng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng có chiều hướng phức tạp do thời tiết châu lục này đang ngày càng lạnh hơn. Đây là thời điểm thích hợp để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lây lan.
Giám đốc WHO Châu Âu cảnh báo khu vực này sẽ có thêm 500.000 người tử vong vì Covid-19 từ nay tới tháng 2/2022 nếu thiếu biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Đây cũng thực sự là lời cảnh báo đối với các khu vực khác trên thế giới.
Trong tuần qua, Châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng với tổng số 7 ngày qua là 1,67 triệu ca, tăng 9% so với tuần trước đó.
Lục địa già cần tiếp tục các biện pháp phòng dịch, kể cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao (Ảnh: UN) |
Tại Nga, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua đã có trên 41 nghìn ca mắc mới. Đây là mức cao nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này.
Ngày 4/11, Pháp cũng ghi nhận trên 9 nghìn ca nhiễm mới Covid-19. Theo đó, số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày trong một tuần tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần qua. Cụ thể, mức trung bình này tăng lên 6.226 ca, cao chưa từng thấy kể từ ngày 22/9.
Số liệu của viện y tế Sciensano của Bỉ cho thấy số mắc mới Covid-19 trung bình hàng ngày trong 14 ngày qua trên 6 nghìn ca, tăng 36% so với tuần trước đó.
Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ lây nhiễm ngày 4/11 đã vượt mức 50 ca/100.000 dân, trở lại ngưỡng mà Bộ Y tế nước này xác định là nguy cơ ở mức trung bình, chỉ 4 tuần sau khi cơ quan này hạ mức xuống có nguy cơ thấp.
Đức ghi nhận hơn 37 nghìn trường hợp mắc Covid-19 vào hôm 5/11. Đây là mức cao kỷ lục. Các quan chức y tế công cộng lo ngại rằng đợt lây nhiễm này có thể gây áp lực lên hệ thống y tế của Đức.
Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Anh cũng đã tăng lên mức cao nhất vào tháng 10 vừa qua. Số ca nhiễm mới trung bình những tuần gần đây tại xứ sở sương mù ở mức 40 nghìn ca/ngày. Phần lớn do số ca bệnh ở trẻ em tăng cao và đợt bùng dịch phía Tây Nam nước này.
Một số nước Châu Âu khác như Ba Lan, Áo, Séc, Hy Lạp cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt trong tuần qua, với mức tăng từ 47 đến 65%.
Nhiều nước Châu Âu đang cân nhắc áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển vào nửa cuối tháng 12. Đây là thời điểm nhiều người dân đi nghỉ lễ Noel và đón chào năm mới (Ảnh: AFP) |
Tái áp đặt các biện pháp phòng dịch
Trước làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở Châu Âu, một số nước trong khu vực đã bắt đầu áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế xã hội.
Áo tuyên bố cấm những người chưa được tiêm chủng đầy đủ đến những địa điểm công cộng như quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng làm tóc khi số ca nhiễm bệnh tăng mạnh.
Cộng hòa Czech quy định khách hàng đến quán ăn phải trình xác nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính. Đồng thời, quốc gia này siết chặt quy định sử dụng khẩu trang nơi công cộng.
Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte mới đây cũng quyết định tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, thực hiện giãn cách xã hội và yêu cầu trình chứng nhận tiêm phòng Covid-19 tại các viện bảo tàng hay nhà hàng. Người dân nước này cũng được khuyến nghị làm việc tại nhà ít nhất nửa thời gian trong tuần và tránh đi lại vào giờ cao điểm.
Tại Hy Lạp, các quy định mới được ban hành chủ yếu nhắm vào đối tượng chưa tiêm chủng. Từ ngày 6/11, người chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 để tới các địa điểm công cộng như cửa hàng, tòa nhà cao tầng hay ngân hàng. Người lao động làm việc trong các lĩnh vực công hoặc tư nhân phải trình kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần/tuần, chi phí xét nghiệm tự chi trả. Các cửa hàng và nhà hàng sẽ bị phạt tới 5.000 euro (khoảng 5.800 USD) nếu không nghiêm túc thực hiện những quy định nói trên.
Một số quốc gia khác như Slovenia, Romania, Na Uy, Latvia, Malta... cũng đang xem xét việc áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế xã hội tại những khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Bên cạnh đó, các quốc gia này tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm phòng nhằm ngăn chặn nguy cơ làn sóng dịch Covid-19 mới.
Dịch Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu và được kiểm soát vào năm sau TTTĐ - Giới chuyên gia nhận định dịch Covid-19 có thể chuyển thành một bệnh đặc hữu và được kiểm soát vào năm 2022. |
"Chìa khóa" bảo vệ trẻ em trước đại dịch Covid-19 TTTĐ - Hàng loạt quốc gia trên khắp thế giới, từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á tới Nam Phi đều đang triển khai hoặc ... |
Anh có nguy cơ đối mặt với đợt phong tỏa vào lễ Giáng sinh TTTĐ - Ông Peter Openshaw, cố vấn cấp cao của Chính phủ Anh về dịch Covid-19 lo sợ về một đợt phong tỏa mới của ... |