Một năm thế giới đầy biến động
Mãn nhãn với các phim hoạt hình được sản xuất trong năm 2021 INFOGRAPHIC tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021 Những sự kiện thời tiết cực đoan năm 2021 |
Các nước sống chung với COVID-19
Đây đã là năm thứ hai thế giới trải qua đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của những biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Kể từ khi ghi nhận những ca đầu tiên mắc COVID-19 vào tháng 12/2019, cho đến nay, đại dịch này đã lây lan trên toàn cầu với hơn 280 triệu ca mắc, trong đó hơn 5,4 triệu người tử vong.
Điểm tiêm vắc xin COVID-19 tại trung tâm tổ chức sự kiện Lumen Field ở Seattle, Mỹ (Ảnh: KUOW PHOTO/MEGAN FARMER) |
Hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành cho thấy vai trò quan trọng của khẩu trang, vắc xin và các biện pháp cách ly. Nhiều nước đã điều chỉnh từ chính sách “zero COVID” sang “sống chung an toàn với COVID-19”, đẩy mạnh tiêm chủng đại trà và áp dụng quy định bắt buộc tiêm vắc xin nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Theo thống kê mới nhất của trang Our World in Data, tính đến ngày 29/12 đã có 57,4% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; Hơn 9 tỷ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn cầu; Trung bình 31,42 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc xin mới đạt 8,3%.
Nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn cũng đã được tổ chức trở lại. Sau một năm bị hoãn vì COVID-19, Thế vận hội mùa Hè Olympic 2020 và Thế vận hội thể thao người khuyết tật Paralympic 2020 đã được tổ chức tại Nhật Bản từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2021. Trong tháng 6 và 7 cũng đã diễn ra Giải bóng đá vô địch Châu Âu - EURO 2020 tại 11 thành phố của Châu Âu và Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ Copa America 2021 tại Brazil...
Khủng hoảng năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu
Dịch COVID-19 lây lan nhanh tại các nhà máy đã làm thiếu hụt lao động, gián đoạn sản xuất, gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu hàng hóa. Tình trạng thiếu tàu và container tại các cảng biển quan trọng trên thế giới khiến hoạt động vận tải đường biển bị tắc nghẽn. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Châu Á đến Châu Âu có thời điểm tăng khoảng 10 lần và từ Trung Quốc đến bờ Tây nước Mỹ tăng 2,85 lần.
Tháng 3/2021, chuỗi cung ứng qua kênh đào Suez từng bị tê liệt do sự cố tàu container siêu trọng Ever Given mắc kẹt một tuần, gây thiệt hại khoảng 400 triệu USD mỗi giờ. Vụ việc khiến hơn 400 tàu thuyền khác bị tắc nghẽn, cắt đứt tuyến lưu thông của khoảng 15% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển toàn cầu vào thời điểm đó.
Gián đoạn chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu ảnh hưởng đến việc cung cấp và phân phối nhiều loại hàng hóa (Ảnh: UNSPLASH/Barrett Ward) |
Năm 2021, khủng hoảng nguồn cung năng lượng diễn ra khắp các châu lục. Giá khí đốt tăng gấp 3 lần từ đầu năm. Giá dầu mỏ phi mã hơn 40%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than leo thang khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân. Tuy nhiên, về dài hạn, khủng hoảng năng lượng có thể thúc đẩy các quốc gia đầu tư phát triển các nguồn năng lượng bền vững hơn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng này, một mặt cho thấy thế giới vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng, mặt khác càng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì nguồn cung năng lượng dồi dào.
Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường sau 16 năm
Kỷ nguyên cầm quyền của cựu Thủ tướng Angela Merkel đã khép lại khi ông Olaf Schozl chính được Hạ viện Đức phê chuẩn vào cương vị Thủ tướng Đức ngày 8/12.
Với 4 nhiệm kỳ cầm quyền liên tiếp kể từ năm 2005, bà Angela Merkel đã ghi đậm dấu ấn là một nữ chính trị gia quyền lực, dẫn dắt nước Đức và Liên minh Châu Âu (EU) vượt qua những thời điểm khó khăn của các cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công và người di cư, để lại nhiều thành tựu cả về đối nội và đối ngoại. Được đánh giá là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất Châu Âu, 14 lần được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Merkel đã đưa Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và nước Đức trở thành biểu tượng của hòa bình và hòa hợp.
Kỷ nguyên mới cho du hành vũ trụ
Hành trình khám phá không gian đạt được những bước tiến đáng kể nhờ sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch vũ trụ tư nhân.
Tối 15/9/2021, Tập đoàn công nghệ SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã phóng thành công tàu vũ trụ đưa các phi hành gia nghiệp dư đầu tiên trên thế giới trong một chuyến bay tư nhân đi vào quỹ đạo Trái Đất. Đây là sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt tham vọng nhất của ngành du lịch vũ trụ thế giới.
Ngoài SpaceX, các công ty vũ trụ hàng đầu thế giới như Virgin Galactic, Blue Origin cũng đã thử nghiệm các chuyến bay tư nhân đưa hành khách lên vũ trụ mở đường cho ngành du lịch không gian phát triển.
Năm 2021 đánh dấu chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch vũ trụ (Ảnh: SpaceX) |
Ngày 20/7, tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos đã tham gia chuyến thám hiểm không gian đầu tiên trên tàu vũ trụ New Shepard do công ty Blue Origin của ông nghiên cứu và thử nghiệm. Trên tàu còn có hành khách trẻ tuổi nhất bay vào vũ trụ là một sinh viên 18 tuổi người Hà Lan. Ba tháng sau, Blue Origin thực hiện chuyến bay thứ hai chở hành khách lớn tuổi nhất, nam diễn viên người Canada William Shatner, 90 tuổi.
Đến tháng 10, một đoàn làm phim Nga đã có 12 ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) để thực hiện bộ phim đầu tiên được quay ngoài vũ trụ mang tên “The Challenge” (Thử thách). Hãng thông tấn Nga TASS đã ký thỏa thuận mở văn phòng đại diện thường trực đầu tiên của một cơ quan báo chí truyền thông trên ISS.
Hội nghị COP 26 cam kết dần xóa bỏ điện than
Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Vương quốc Anh (Ảnh: ukcop26) |
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã nhất trí thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, tái khẳng định cam kết duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 1,5 độ C.
Nhiều nước cũng công bố thời hạn cụ thể để đưa mức phát thải ròng về 0; Chấm dứt nạn phá rừng và cắt giảm 30% lượng phát thải khí mê tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; Chấm dứt đầu tư cho ngành nhiên liệu hóa thạch; Cam kết tăng mức hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo và các nước đang phát triển để đối phó với biến đổi khí hậu…
Kết quả COP26 đã đem lại hy vọng cho cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.