Một chỗ đỗ xe được bán với giá 1,3 triệu USD
Chỗ đỗ xe đắt nhất thế giới
Vào tháng trước, hai tập đoàn bất động sản Wharf Holdings và Nan Fung Group đã bán 29 chỗ đậu xe thuộc giai đoạn 2 và 3 của dự án khu dân cư sang trọng Mount Nicholson tọa lạc ở khu The Peak tại Hong Kong (Trung Quốc), thông qua một cuộc đấu giá riêng dành cho các chủ nhà. Một chỗ đậu xe tiêu chuẩn ở đây rộng khoảng 12,5m2
Trong đó, một chỗ đậu xe đã được bán với giá lên đến 10,2 triệu đô la Hong Kong (HKD), tương đương 1,3 triệu USD.
“Đây chắc chắn là chỗ đỗ xe đắt nhất ở Hong Kong”, William Lau, Giám đốc bán hàng cho biết.
Kỷ lục về một chỗ đậu xe đắt nhất trước đó là 7,6 triệu HKD được thiết lập vào tháng 10/2019 tại The Center - tòa tháp văn phòng 73 tầng ở khu Central.
Quang cảnh nhìn từ trên cao của dự án Mount Nicholson, Hong Kong (Trung Quốc) Ảnh: Martin Chan |
Tại xứ cảng thơm, chỗ đậu xe hơi đắt đỏ đến mức khiến các giao dịch liên quan đến nó đã trở thành miếng bánh ngon cho các nhà đầu cơ mua đi bán lại và kiếm lời một cách nhanh chóng.
Vào thời điểm đỉnh cao của đầu cơ, tại Hong Kong từng ghi nhận đến 8.968 chỗ đỗ với trị giá 16,64 tỷ HKD vào năm 2018.
Hiện nay, giao dịch chỗ đỗ xe một lần nữa gia tăng khi tâm lý các nhà đầu tư bất động sản được cải thiện. Họ đang tận dụng lợi thế của thuế trước bạ bổ sung đối với các giao dịch không phải nhà ở đã được loại bỏ vào tháng 11. Doanh số bán chỗ đậu xe hơi đã tăng 18% trong tháng 5 vừa qua.
Tại dự án Mount Nicholson, đối với các căn hộ có diện tích từ 4.200m2 đến 4.600m2, mỗi căn có giá từ 400 triệu đến 600 triệu HKD. Vì vậy, theo ông Lau, chủ sở hữu sẵn sàng chi khoảng 10 triệu HKD cho một chỗ đậu xe không phải là vấn đề lớn.
“Điều khiến họ quan tâm nhất là không gian để đỗ xe chứ không phải tiền. Họ đã mua nó để sử dụng riêng chứ không phải đầu tư”, ông nói.
Dự án Mount Nicholson, thuộc khu The Peak, là một trong những dự án nhà ở xa xỉ nhất ở Hong Kong. Trước đây, một trong những căn hộ của dự án này đã giữ vị trí căn hộ đắt nhất ở Châu Á. Từ tháng 2 năm nay, vị trí này đã thuộc về một căn hộ trong dự án của CK Asset Holdings thuộc số 21 đường Borret Road, Hong Kong.
11 năm liền giá nhà ở đắt nhất thế giới
Theo báo cáo của Viện Cải cách đô thị (Mỹ) và Trung tâm Tiên phong Chính sách công (Canada) công bố vào cuối tháng 2 vừa qua, Hong Kong đã vượt qua Vancouver của Canada, Sydney của Australia và Auckland của New Zealand trở thành thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới năm 2020.
Theo thống kê, giá nhà ở trung bình tại xứ cảng thơm năm 2020 cao gấp 20,7 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình.
Con số này đã giảm nhẹ so với mức 20,8 vào năm 2019. Đây là năm thứ 11, Hong Kong (Trung Quốc) đứng đầu danh sách này.
Giá nhà tại nhiều nơi vẫn tăng bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh: Bloomberg) |
Không chỉ tại Hong Kong, giá bất động sản tại nhiều nơi vẫn tăng chóng mặt bất chấp sự suy giảm của kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19.
Theo công ty tư vấn có trụ sở ở London Knight Frank, Seoul, Singapore, Tokyo và Thượng Hải là những trung tâm kinh doanh trong khu vực có giá nhà tăng mạnh trong năm qua, dù hoạt động chi tiêu nhìn chung sụt giảm.
Thu thập số liệu từ khắp Châu Á, Knight Frank cho biết giá bất động sản ở Seoul tăng mạnh nhất trong khu vực, với mức tăng 22,3% từ quý IV/2019 đến quý IV/2020. Còn tại Tokyo, giá nhà tăng 6,5%, trong khi con số này ở Thượng Hải là 4,2%.
Trên toàn cầu, giá nhà ở khu vực thành thị tăng trung bình 5,6% trong năm 2020, cao hơn mức 3,2% năm 2019, theo báo cáo của Knight Frank.
Tại 37 nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giá nhà trên thực tế đã tăng gần 7% (từ quý IV/2019 đến quý IV/2020). Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong hai thập kỷ qua.
Giá nhà ở Anh đã tăng 8,5% vào năm 2020 so với năm 2019 - tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 2014. Tại Mỹ, lượng nhà bán ra vào năm 2020 đạt mức cao nhất kể từ năm 2006. Giá nhà đã tăng 9% trong năm 2020 và vẫn đang trên đà tăng mạnh. Giá trung bình của một ngôi nhà đạt mức cao lịch sử 329.100 USD vào tháng 3.
Đại dịch Covid-19 đang tạo ra nhu cầu mới. Nhiều người mua nhà muốn có thêm không gian làm việc tại nhà, nhiều người khác muốn chuyển nhà xa ra văn phòng hơn. Ngoài ra, không ít người lao động vẫn giữ được nhà trong năm 2020 và tiết kiệm thêm tiền do các khoản trợ cấp của Chính phủ và giảm mạnh chi tiêu du lịch, giải trí.
Bên cạnh đó, giá nhà được hỗ trợ bởi những chính sách nới lỏng tiền tệ của các Chính phủ. Những khoản thanh toán thế chấp sụt giảm cùng với đó, lãi suất giảm cũng khiến việc đầu tư địa ốc trở nên hấp dẫn hơn vì lợi nhuận của các tài sản rủi ro lao dốc.
Dịch Covid-19 khiến thị trường hoa Tết ở Hong Kong (Trung Quốc) lao đao TTTĐ - Tết Nguyên đán thường là khoảng thời gian bận rộn của các trang trại hoa ở Hong Kong (Trung Quốc), nơi chuẩn bị ... |
Người dân Hong Kong (Trung Quốc) tự làm khẩu trang chống dịch Covid-19 TTTĐ - Tình trạng thiếu khẩu trang trầm trọng giữa lúc bùng phát virus Corona gây ra dịch Covid-19 đã khiến người dân Hong Kong ... |
Giá đất trên trời cho… người đã khuất TTTĐ - “Nếu tính giá mỗi mét vuông, đất an táng cho người chết còn đắt đỏ hơn rất nhiều so với đất cho người ... |
Singapore, Hồng Kông, Paris cùng giữ vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới TTTĐ – Đây là kết quả khảo sát Chi phí sinh hoạt toàn cầu (Worldwide Cost of Living Survey) do tổ chức nghiên cứu kinh ... |