Giá đất trên trời cho… người đã khuất
Những nghĩa trang chật kín tại Hong Kong. Ảnh: AFP
Bài liên quan
Malaysia vật lộn với đống phế liệu của thế giới
Cuộc sống cơ cực của người lao động nhập cư Singapore
Trên 13 triệu người không được mua vé tàu, máy bay
Nhân viên được nghỉ việc 6 tháng để khởi nghiệp
Đất cho người chết… giá trên trời
Một mảnh đất để chôn cất có giá từ 3 - 5 triệu đô la Hong Kong (khoảng 380.000 - 637.000 USD). Tuy nhiên, các nghĩa trang trong thành phố hiện đã chật kín nên hiếm khi tìm được một ô đất còn trống. Tại Hong Kong, đất đai khan hiếm đến mức 90% trong số 480.000 người chết mỗi năm đều được hỏa táng. Do vậy, việc tìm một chỗ đặt bình tro cốt giờ đây cũng trở nên khó khăn.
Trung bình, một ô đặt bình tro cốt ở nghĩa trang có giá 2.800 HKD (357 USD) nhưng sẽ phải đợi hơn 4 năm. Những gia đình không thể đợi sẽ phải thêm tiền để mua chỗ tại các nghĩa trang tư nhân, cho dù đó chỉ là một hốc tường không lớn hơn một chiếc hộp đựng giày. So sánh với giá bán căn hộ đắt nhất Hong Kong ở mức 180.000 HKD/m2 (23.000 USD), đất cho người chết tại đây còn đắt đỏ hơn cả đất dành cho người sống.
Khi mẹ cô qua đời vào tháng 11 năm ngoái, Cecilia Chan, giáo sư công tác xã hội tại Đại học Hong Kong, đã quyết định hỏa táng và rải tro cốt của bà trong một khu vườn tưởng niệm. Hình thức này được biết đến với tên gọi địa phương là “an táng xanh”.
Cô Chan cho rằng cách an táng này là một trong những sự lựa chọn thực tế nhất tại nơi đông đúc và đắt đỏ như Hong Kong. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn phổ biến.
“Theo truyền thống, chúng tôi muốn gìn giữ hài cốt của tổ tiên mình trong các nghĩa trang. Tại đó, chúng tôi có thể đến thăm viếng, cúng bái và thờ cúng. Chúng tôi rất tôn trọng truyền thống”, ông Kwok Hoi Pong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp mai táng nói.
Chính quyền Hong Kong lo ngại rằng, các chủ nghĩa trang tư nhân sẽ trục lợi từ nguyện vọng của các gia đình muốn tìm chỗ an nghỉ cho người thân. Năm 2017, chỉ thị về nghĩa trang tư nhân được ban hành, buộc các chủ nghĩa trang phải xin lại giấy phép vận hành và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cho đến nay, những giấy phép này vẫn chưa được thông qua trong khi những người chỉ trích lo rằng chỉ thị không giúp làm giảm giá đất.
“Nếu một số ít nghĩa trang tư nhân đáp ứng được yêu cầu để có lại giấy phép, tôi tin giá của các hốc tường đựng tro cốt sẽ tiếp tục tăng lên vì đây là một thị trường tự do. Ước tính giá sẽ tăng lên khoảng 30%", ông Kwok cho biết.
Betsy Ma, Giám đốc kinh doanh dịch vụ tang lễ Sage, ước tính, hiện có khoảng 200.000 bình tro cốt tại Hong Kong đang thiếu nơi đặt. Nhiều bình hiện được đặt tạm ở các nhà tang lễ với mức phí 38 USD - 100 USD mỗi tháng.
Để khắc phục tình trạng dở khóc, dở cười này, nhiều kiến trúc sư tại xứ cảng thơm đã bắt tay vào tìm giải pháp. Vào năm 2012, công ty tư vấn thiết kế Bread Studio đã đề xuất xây một nghĩa trang nổi trên mặt biển. Nghĩa trang nổi Floating Eternity được thiết kế để chứa tro cốt của khoảng 370.000 người. Tuy nhiên, việc nghiên cứu tiền khả thi đang diễn ra chậm chạp và các kiến trúc sư phải chờ quyết định từ khách hàng và các nhà tư vấn khác.
Một đề xuất tương tự khác vào năm 2016 kêu gọi các nhà đầu tư biến một du thuyền thành nghĩa trang nổi với nhà hàng, khách sạn và không gian cho 48.000 bình tro cốt.
“An táng xanh” hay lưu giữ tại nhà?
Trong khi đó, Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hong Kong đã dành 10 năm qua để khuyến khích việc "an táng xanh", rải tro cốt ở vườn hoặc trên biển.
Tuy nhiên, nỗ lực này không dễ dàng vì việc rải tro cốt trong những khu vườn tưởng niệm hoặc xuống biển là đi ngược lại truyền thống của người Hong Kong. Theo số liệu thống kê năm ngoái, chỉ có 15% đám tang ở Hong Kong thực hiện theo hình thức này.
Dự án nghĩa trang nổi Floating Eternity nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất cho người đã khuất. Ảnh: Bread Studio |
Ngoài các nỗ lực quảng bá và tiến hành các chiến dịch định kỳ, chính quyền Hong Kong vừa ra mắt một trang web truyên truyền về việc này. Đến năm 2019, số lượng các khu vườn tưởng niệm đã lên đến con số 14.
“Về lâu dài, chúng tôi hy vọng “an táng xanh” sẽ được xã hội chấp nhận rộng rãi và trở thành cách xử lý tro cốt thân thiện và phổ biến trong tương lai”, Florence, phát ngôn viên của Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm chia sẻ.
Một số người tin rằng chính quyền cũng nên khuyến khích mọi người lưu giữ bình tro cốt tại nhà. Tuy nhiên, việc này cũng đi ngược lại truyền thống. Nhiều người dân địa phương không yên tâm với việc cất tro cốt tại nhà, bởi họ tin rằng người sống và chết nên ở cách xa nhau, tránh việc thu hút các vong hồn.
Trong khi đó, những người muốn một chỗ trong các nghĩa trang công vẫn tiếp tục cuộc đợi chờ của mình. Stephanie Fung (51 tuổi) nhân viên văn phòng có cha qua đời hai năm trước, hiện vẫn chờ một chỗ đặt bình tro cốt của người cha quá cố tại nghĩa trang công.
Ông chia sẻ: “Bố tôi không muốn tro cốt của mình bị rải khắp nơi. Do vậy, chúng tôi đã giữ tro cốt của bố tại nhà tang lễ hơn một năm qua. Tôi không muốn bố mình như đang bị giam trong “ngục tù”. Như thế là bất kính với ông. Tôi sẽ không thể thanh thản cho đến khi ông ấy có một chỗ trong nghĩa trang”.
Thất vọng với tình hình này, nhiều người dân Hong Kong đã phải vào đất liền ở Quảng Đông để tìm nơi an táng cho người thân. Giá đất chôn cất ở đây đã tăng 10 lần trong thập kỷ qua, lên gần 30.000 USD còn giá một chỗ đặt tro cốt là 15.000 USD. Tại nghĩa trang ở Macau, nơi cách Hong Kong một giờ đi phà, một ô đất chôn cất giá khoảng 127.000 USD.
Trong khi đó, chính quyền Hong Kong đang tích cực hoàn thành 3 nghĩa trang công, có sức chứa 208.000 hũ tro cốt. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay. Các ô đặt bình sẽ được chia cho người có nhu cầu thông qua máy tính lựa chọn ngẫu nhiên - một hệ thống mà nhiều người thấy không công bằng. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố cho biết việc phụ thuộc vào việc cung cấp các hốc mới là không bền vững.
“Lựa chọn duy nhất của người Hong Kong sẽ chỉ còn là “an táng xanh” hoặc để tro cốt tại nhà. Mọi người sẽ không còn lựa chọn nào khác. Sẽ rất nhanh nữa thôi, Hong Kong sẽ hết đất, dù là đất cho người đã khuất”, ông Kwok nói