Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không để tiêu cực chi phối
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu”
Bài liên quan
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cảm ơn các cơ quan báo chí cả nước
Tôn vinh những khoảnh khắc báo chí đặc sắc
Tôn vinh 187 người làm báo tiêu biểu
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng nêu rõ, trong 95 năm qua, kể từ ngày báo Thanh niên - tờ báo khởi đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số báo đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình gặp mặt các nhà báo tiêu biểu |
Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) là dịp để Đảng, Nhà nước, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định, ghi nhận, tôn vinh những đóng góp nổi bật và thành tích to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo cách mạng Việt Nam với rất nhiều thành tích, đóng góp trên các mặt công tác báo chí trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là dịp để những người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.
Ban Tổ chức đã phối hợp lựa chọn 187 người làm báo tiêu biểu để tôn vinh tại hội nghị. Đây là những người làm báo có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao; Có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì sự phát triển của đất nước; Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải; Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người; Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và các đại biểu tham quan triển lãm tại chương trình gặp mặt các nhà báo tiêu biểu |
Hội nghị cũng tôn vinh 7 nhà báo lão thành tiêu biểu, những người đã có cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là các nhà báo: Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng, Phạm Khắc Lãm, Hồ Tiến Nghị, Hồng Vinh, Nguyễn Thị Kim Cúc.
Nhiệm vụ đặt ra cho báo chí nặng nề nhưng rất vẻ vang
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định: Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng ta.
Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Đảng, Nhà nước ta triển khai quyết liệt hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ".
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao Bằng khen tuyên dương các nhà báo đại diện 187 nhà báo tiêu biểu |
Nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.
Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, bối cảnh hiện nay đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới.
Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo; Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén" và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.
Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”.
“Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo chúng ta phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; Phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, với lực lượng báo chí lớn mạnh (850 cơ quan báo chí các loại hình, trên 40 nghìn người làm báo), báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.
Báo chí cần kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam...
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng yêu cầu các nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; Thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội. Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo.
Một yêu cầu khác đó là các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời và thuyết phục; Tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo.