Mối nguy hiểm từ mì ăn liền đối với trẻ em
Mì ăn liền là thực phẩm tiện dụng, có thể dễ dàng mua ở mọi nơi. Ảnh: Jakarta Post
Suy dinh dưỡng do lạm dụng mì ăn liền
Đây là kết luận do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) mới công bố. Philippines, Indonesia và Malaysia là ba quốc gia có nền kinh tế bùng nổ với mức sống ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bận rộn không có thời gian, tài chính hay nhận thức đúng để con cái ăn những thực phẩm nghèo dinh dưỡng.
Theo thống kê của Unicef, trong ba quốc gia kể trên, trung bình có 40% trẻ em từ 5 tuổi trở xuống bị suy dinh dưỡng, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 1/3. Cụ thể Indonesia có 24,4 triệu trẻ, Philippines có 11 triệu trẻ và Malaysia có 2,6 triệu trẻ.
Ông Hasbullah Thabrany, chuyên gia y tế công cộng ở Indonesia, chia sẻ: “Cha mẹ thường tin rằng lấp đầy dạ dày của con cái họ là điều quan trọng nhất. Họ không thực sự nghĩ về việc bổ sung đầy đủ protein, canxi hoặc chất xơ”.
Lạm dụng mì ăn liền có thể gây hại cho trẻ em. Ảnh: Getty |
Unicef thông tin tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em vừa là minh chứng của sự thiếu thốn trong quá khứ vừa là yếu tố dự báo về nghèo đói trong tương lai. Trong khi đó, thiếu sắt làm suy giảm khả năng học tập của trẻ và làm tăng nguy cơ tử vong của phụ nữ trong hoặc ngay sau khi sinh con.
Bà Mueni Mutunga, chuyên gia dinh dưỡng của Unicef châu Á nhận định vấn đề này bắt nguồn từ xu hướng của cuộc sống hiện đại. Các gia đình thường bỏ bữa ăn truyền thống thay vào đó là những bữa ăn hiện đại với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và tiết kiệm thời gian.
“Do đó, mì ăn liền là một lựa chọn phố biến. Nó rất dễ mua. Mì còn rẻ và chế biến rất nhanh. Vì vậy nó dễ dàng thay thế cho các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng”, bà Mueni Mutunga nói.
Indonesia là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), quốc gia vạn đảo tiêu thụ 12,5 tỷ gói mì trong năm 2018, chỉ xếp sau Trung Quốc, cao hơn lượng tiêu thụ của cả Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại.
Rẻ và tiện lợi
Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em xảy ra trong bối cảnh thay đổi đang diễn ra nhanh chóng như tăng dân số thành thị, toàn cầu hóa hệ thống thực phẩm, từ đó dẫn đến thực phẩm có lượng calo cao nhưng kém dinh dưỡng ngày càng nhiều.
Mặc dù Philippines, Indonesia và Malaysia đều được coi là quốc gia có thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới nhưng hàng chục triệu người dân ở các nước này vẫn đang chật vật kiếm sống.
Còn tại các khu vực đô thị, mặc dù được tiếp cận với các chuỗi cung ứng thực phẩm phong phú nhưng không phải tất cả đều tốt. Chuỗi siêu thị vốn là nơi dự trữ nhiều loại thực phẩm. Mặc dù có giá rẻ và tiện lợi nhưng không phải tất cả chúng đều hoàn toàn bổ dưỡng. Điển hình như mì ăn liền, bánh quy sẽ nhanh chóng làm đầy bụng. Từ đó, chúng có thể làm giảm sự thèm ăn của trẻ đối với các loại trái cây và rau quả đầy chất dinh dưỡng, sau đó có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch yếu, khiếm thị và khiếm thính.
Hơn nữa những thực phẩm ăn liền như mì gói lại rất rẻ và tiện lợi. Tại thủ đô Manila (Philippines), một gói mì ăn liền chỉ có giá 0,23 USD (khoảng 5.500 đồng) nhưng chứa ít chất dinh dưỡng và thiếu vi chất thiết yếu như sắt và protein. Trong khi đó, nó lại có hàm lượng chất béo và muối cao.
Theo Unicef, các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau, trứng, sữa, thịt và cá đang dần biến mất khỏi chế độ ăn hàng ngày trong bối cảnh người dân từ nông thôn đổ về các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm.
Để đẩy lùi sự phụ thuộc vào mì ăn liền trong cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của người dân ở Đông Nam Á, Unicef cho rằng cần có sự can thiệp của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc tiếp thị thực phẩm không lành mạnh hiện nay cũng cần phải được kiểm soát. Các chương trình quảng cáo và khuyến mãi của mì ăn liền vốn cực kỳ lôi cuốn, kênh phân phối đến khắp mọi nơi, ngay cả ở những nơi xa xôi nhất…
Theo báo cáo của Unicef, tuy Việt Nam không nằm trong danh sách lạm dụng mì gói nhưng trên thực tế trong năm vừa qua, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tiêu thụ mì gói, sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Theo WINA, hai năm trở lại đây mức tiêu thụ mì gói của Việt Nam tăng mạnh. Báo cáo mới nhất của WINA cho thấy, năm 2018 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, tăng 2,76% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 8,3% so với năm 2015. Với dân số 95 triệu dân vào năm 2018, trung bình một người Việt ăn gần 55 gói mì mỗi năm.
Đầu năm 2019, nhà sản xuất mì ăn liền Nhật Acecook (chiếm 70% thị phần Việt Nam) đã đặt mục tiêu tăng doanh số bán mì ăn liền đựng trong cốc tại Việt Nam lên khoảng 350 triệu khẩu phần vào năm 2022, tăng gấp đôi so với năm 2017.
Bài liên quan
Liên hợp quốc: Khoảng 1/3 thanh thiếu niên bị bắt nạt trên mạng
UNICEF cảnh báo số ca mắc bệnh sởi đã tới ngưỡng báo động trên toàn thế giới
Google đang hợp tác với UNICEF để xây dựng bản đồ Zika
UNICEF cảnh báo về sự nguy hại của thế giới số với trẻ em