Mối liên hệ giữa sức khỏe con người và thiên nhiên trong đại dịch
Những ngày Covid-19 hoành hành khốc liệt này, chúng ta ai cũng mong được mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần. Chúng ta nỗ lực thực hiện mọi biện pháp trước mắt có thể để bản thân và những người thân yêu được mạnh khỏe, từ việc tập trung vào chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao, cải thiện sức đề kháng, tiêm vắc-xin.. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không biết hoặc quên mất nguồn gốc sức khỏe của mình. Trong thực tế, chúng ta chỉ thực sự khỏe mạnh khi môi trường, thiên nhiên và hệ sinh thái xung quanh chúng ta khỏe mạnh.
Kết nối giới trẻ với bảo tồn thiên nhiên (Ảnh tư liệu) |
Việc đảm bảo “Một sức khỏe” cho con người và cả thiên nhiên ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ, động vật hoang dã, nạn phá rừng hay ô nhiễm môi trường vẫn đang tiếp diễn. Đại dịch Covid-19 cũng là thời điểm then chốt để tất cả chúng ta cùng thay đổi, hành động và xây dựng cho chính mình và thiên nhiên một hệ thống đề kháng bền vững. Ngược lại, không phải ai cũng nhận thức rõ được mối liên hệ giữa dịch bệnh, sức khỏe con người và việc bảo vệ thiên nhiên để sẵn sàng hành động.
Buổi tọa đàm trực tuyến “Một sức khỏe trong đại dịch” |
Thông qua cách tiếp cận “Một sức khỏe”, sáng 21/8, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia đã phối hợp với Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học tại Việt Nam (VOHUN) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Một sức khỏe trong đại dịch”. Chương trình được thực hiện bởi 3 diễn giả uy tín với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế cộng đồng, dịch tễ học, bảo tồn thiên nhiên. Buổi tọa đàm đã nhanh chóng thu hút hàng trăm lượt quan tâm, đăng ký; Đã có gần 100 người tham gia thảo luận trực tiếp với các diễn giải và hàng trăm lượt xem, theo dõi trên các kênh mạng xã hội.
Chiến dịch “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo" do Gaia khởi xướng từ tháng 6/2021 (Ảnh tư liệu) |
Sức khỏe của con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe của động vật và thiên nhiên. Dân số gia tăng ngày càng nhanh, vấn nạn phá rừng, săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, các hoạt động tàn phá thiên nhiên đã, đang tiếp diễn khiến con người gia tăng nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh có trong các loài động vật hoang dã. Trên tổng số 1.407 mầm bệnh lây nhiễm ở người, khoảng 58% có nguồn gốc từ động vật, trong đó một phần tư có khả năng biến thành dịch và đại dịch, như các virus Influenza, Ebola hay các loài virus Corona. “Một sức khỏe” là phương thức tiếp cận giúp con người hướng tới xây dựng nền tảng sức khỏe bền vững đã được các tổ chức y tế và khoa học hàng đầu thế giới công nhận, trong đó bao gồm: Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO), Tổ chức Động vật Quốc tế (OIE) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia |
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên đã xúc động chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Không chỉ có con người mong muốn được khỏe mạnh hơn trong đại dịch mà thiên nhiên cũng đang kêu cứu. Đại dịch Covid-19 đã vạch trần tác động mạnh mẽ của con người đến thiên nhiên, thông qua việc phục hồi chất lượng không khí ở các thành phố lớn, sự phát triển mạnh mẽ hơn của một số quần thể sinh vật tại các khu du lịch vắng người”.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lại tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với môi trường, do việc thải ra hơn 1,6 triệu tấn rác nhựa mỗi ngày trên khắp thế giới; Đồng thời do tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế, nguy cơ săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã và khai thác thiên nhiên gia tăng. Điều đáng nói, đại dịch Covid-19 không phải là mối nguy duy nhất mà con người đang đối mặt mà mối nguy lớn hơn rất nhiều đó là biến đổi khí hậu.
Tháng 7/2021 vừa qua, Trái Đất đã xác nhận kỷ lục tồi tệ nhất trong lịch sử 142 năm qua là: Tháng 7 nóng nhất so với tất cả các tháng 7 từ trước đến nay, đồng thời đây cũng là tháng nóng nhất trong năm 2021. Hơn 14.000 nhà khoa học khắp nơi trên thế giới cũng đã cảnh báo về việc “các dấu hiệu sống” của Trái Đất như: Gia tăng dân số, diện tích rừng, tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính... đang diễn biến xấu đi nhanh chóng vì con người. Tại Việt Nam, các loài động vật hoang dã quý hiếm cũng đang dần biến mất, rừng bị thu hẹp và có thể có tới gần 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm trong nước biển và năm 2100 do hiệu ứng nhà kính.
Các cán bộ Kiểm lâm thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cùng trồng rừng |
“Các nghiên cứu cho thấy hơn 60% bệnh truyền nhiễm, trong đó có đại dịch Covid-19 liên quan đến các loài động vật khác nhau. Nghiên cứu các đại dịch trong quá khứ cho thấy, thời xưa, thường phải vài chục năm hoặc cả trăm năm mới có một đại dịch. Tuy nhiên, từ những năm 60 trở lại đây, chúng ta đã và đang trải qua 9 đại dịch tồi tệ. Điều này có nghĩa là đại dịch tiếp theo sẽ sớm xảy ra trong tương lai gần.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh truyền nhiễm có liên quan đến động vật ngày càng tăng; Trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu, nạn tàn phá rừng, săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã; Việc gia tăng lưu thông, vận chuyển và gia tăng dân số. Để đẩy lùi thời gian diễn ra đại dịch tiếp theo, chúng ta cần ngừng ngay việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã; Ngừng hoặc giảm thiếu tối đa các hoạt động gây ô nhiễm môi trường hay phá rừng”, diễn giả PGS.TS Lê Thanh Hiền (khoa Chăn nuôi Thú Y, trường Đại học Nông Lâm TP HCM) chia sẻ.
TS.BS Phạm Đức Phúc - điều phối quốc gia của Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) khẳng định: “Phá rừng làm di chuyển các loài động vật hoang dã, khiến chúng gần gũi hơn với nhau và con người. Điều này dẫn đến hệ quả làm tăng khả năng tiếp xúc của con người với các bệnh truyền nhiễm mới, phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm các đại dịch nguy hiểm, trong đó có đại dịch Covid-19.
Voọc chà vá chân nâu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa |
Buôn bán động vật hoang dã, khai thác gỗ và phá rừng cũng làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Việc cải thiện sức khỏe con người được thực hiện hiệu quả và bền vững nhất thông qua cách tiếp cận “Một sức khỏe” trong đó không chỉ chú trọng về con người mà còn chú trọng thúc đẩy sức khỏe của các loài động thực vật và môi trường”.
Buổi tọa đàm là sự kiện tiếp nối chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ chiến dịch “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo" do Gaia khởi xướng từ tháng 6/2021. Chiến dịch “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo” bước đầu đã nhận được sự tham gia đồng hành của hàng trăm cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, chiến dịch có các hoạt động thiết thực như trồng 2.000 cây gỗ lớn tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai vào đầu tháng 8/2021; Tiếp tục trồng gần 10.000 cây gỗ lớn tại Vườn quốc gia Bến En và Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa).
Vì tương lai con người sống hoà hợp với thiên nhiên giàu đẹp (Ảnh tư liệu) |