Mỗi bài báo viết ra phải đúng pháp luật, thuận lòng dân
Bàn cách xây dựng một cơ quan báo chí vững mạnh Ứng dụng công nghệ hiệu quả tại tòa soạn báo chí Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2024 |
Đến dự có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải... cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo qua các thời kỳ, đông đảo các nhà báo đại diện cho các liên chi hội, chi hội nhà báo các cấp.
Quang cảnh hội nghị sáng 18/3 (Ảnh: Hữu Hạnh) |
Đặt vấn đề tại hội nghị, nhà báo Dương Danh Hữu, Tổng Thư ký tòa soạn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội báo Thanh Niên cho biết, thời gian gần đây nổi lên tình trạng một số phóng viên, nhất là phóng viên thường trú của các tạp chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thậm chí vi phạm pháp luật khi tác nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của báo chí.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, thời gian qua có tình trạng một số ít các cộng tác viên, phóng viên thường trú "đánh đấm" doanh nghiệp, gây nhiều hiệu ứng trái chiều, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự ngành báo và nghề báo.
"Người làm báo phải nói đúng, trúng, khách quan, hiệu quả. Mỗi bài báo viết ra phải đúng đường lối, pháp luật, đúng nguyện vọng người dân; được người đọc tâm phục, khẩu phục. Nếu làm được như vậy thì vị thế báo chí, nhà báo được nâng lên nhiều", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo (Ảnh: Hữu Hạnh) |
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp Hội Nhà Báo Việt Nam cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu các đơn vị báo chí cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn đổi mới, sáng tạo trong báo chí; tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý nhằm phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo.
Đồng thời, các cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Ngoài ra, các cơ quan báo chí chú trọng định hướng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nhằm làm rõ lý luận báo chí hiện đại, với các vấn đề nghiệp vụ báo chí số, báo chí sáng tạo, mô hình kinh tế báo chí, vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí...
Đặc biệt, các đơn vị cần triển khai hiệu quả, thực chất chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; chú trọng nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới để tiếp tục duy trì, khẳng định vị thế của giải báo chí quốc gia.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, kể từ ngày thành lập đến nay, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước. Năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ xây dựng nền báo chí truyền thống cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn; tăng cường quản lý, định hướng hoạt động của các cơ quan quản lý báo chí; tập trung đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền... |