Minh bạch, thuận tiện góp phần tăng thu ngân sách nhà nước
Nhiều kết quả khả quan
Từ ngày 9/2/2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt đối với 3 bãi đỗ xe máy và 4 bãi đỗ ô tô tại Phủ Tây Hồ và Chùa Trấn Quốc. Kết quả thí điểm được đánh giá khả quan.
Cụ thể, thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công ty VETC, Công ty MK Vision và các đơn vị liên quan triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện khu vực Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc.
Tại bãi đỗ ôtô, với xe đã dán thẻ VETC sẽ thanh toán tự động qua ví VETC. Xe ôtô đã dán thẻ Epass sẽ thanh toán qua tài khoản Ngân hàng (Mã QR động). Với xe ô tô chưa dán thẻ sẽ hỗ trợ dán thẻ VETC cho khách để thanh toán.
Từ ngày 9/2/2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt đối với 3 bãi đỗ xe máy và 4 bãi đỗ ôtô tại Phủ Tây Hồ và Chùa Trấn Quốc |
Theo báo cáo mới nhất từ UBND thành phố Hà Nội, tỉ lệ thu không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thí điểm đạt trên 50% đối với xe máy; gần 70% đối với ô tô. Việc triển khai thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt giúp cho các phương tiện di chuyển ra vào bãi xe được nhanh hơn, không còn cảnh ùn tắc cục bộ tại các điểm trông giữ như trước đây. Tương tự đối với bãi đỗ xe máy, các xe sẽ tiến hành trả phí qua tài khoản Ngân hàng (Mã QR) thay vì dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (Công ty Khai thác điểm đỗ xe) - đơn vị đang quản lý hơn 40% số điểm đỗ xe được cấp phép trên địa bàn Hà Nội vừa cho biết: Qua làm việc với 3 đơn vị cung cấp các giải pháp trông giữ xe thông minh, Công ty đã hoàn tất đề án để triển khai thu phí trông ô tô, xe máy không dùng tiền mặt.
Trong đó, giai đoạn đầu thí điểm, Công ty đề xuất với cơ quan chức năng thực hiện tại 6 - 8 điểm trông giữ xe trên các tuyến phố, trong đó với ô tô sẽ thực hiện trên phố Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; với xe máy sẽ thực hiện trên phố Bà Triệu, tại điểm trông xe trước Bệnh viện Mắt Trung ương.
Ông Vinh cho biết, khi thực hiện, các điểm này sẽ được trang bị các cột có mắt camera nhận diện biển số xe, mã QR thanh toán tự động, cửa hoặc thanh đóng mở bằng barie ra vào.
Các điểm trông giữ xe sẽ được trang bị các cột có mắt camera nhận diện biển số xe, mã QR thanh toán tự động, cửa hoặc thanh đóng mở bằng barie ra vào |
Về công nghệ thu phí, ông Vinh cho biết, Công ty đề xuất sử dụng công nghệ RFID (nhận dạng và đọc thẻ, mã qua tần số vô tuyến) đây là công nghệ hiện đang sử dụng trong thu phí tự động không dừng ETC tại các trạm thu phí. Ngoài ra công ty cũng đề xuất thêm công nghệ sử dụng AI nhận dạng biển số, kiểm soát phương tiện ra vào để trừ tiền trong tài khoản.
“Cùng với giúp chủ phương tiện thanh toán nhanh, thuận tiện qua tài khoản giao thông (ví VETC) hoặc tài khoản ngân hàng qua quẹt thẻ, mã QR, việc thanh toán này còn giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, bãi xe chính xác, phí trông xe được thu đúng, thu đủ và triệt tiêu được việc thu quá giá, thu tiền không xuất chứng từ”, ông Vinh đánh giá.
Sớm nhân rộng toàn thành phố
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 57 bãi đỗ xe trong trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học và khoảng 640 điểm đỗ dưới lòng đường.
Từ 1/5, UBND thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt tại một số điểm đỗ do Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ của thành phố quản lý. Sau thời gian thí điểm sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng toàn thành phố.
UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Tài chính, Cục Thuế xây dựng cơ chế, chính sách về thu phí, lệ phí, thuế khai thác điểm đỗ xe, bãi đỗ.
Trước đó, Tổ công tác Đề án 06/CP (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia) làm việc với thành phố Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai đề án trên địa bàn.
Việc thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt góp phần tăng nguồn thu ngân sách |
Theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2021-2023, trong 101 điểm giữ xe trên địa bàn Hà Nội thu phí được 248 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị được cấp phép trông giữ xe tổ chức thu giá dịch vụ trông giữ xe chủ yếu bằng tiền mặt.
Do đó, để việc thu phí trông giữ phương tiện được thuận lợi, tăng nguồn thu ngân sách, các sở, ngành của thành phố đang hoàn thiện ứng dụng thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt, vị này cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác Đề án 06/CP và thành phố Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP nêu, việc thu phí không dùng tiền mặt sẽ có hiệu ứng giảm ùn tắc từ cửa ngõ đến trung tâm thành phố và đặc biệt hạn chế được tội phạm có tổ chức ở những khu vực này.
Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý cần phân biệt rõ bãi đỗ xe và lòng đường. Trong đó, các bãi trông giữ xe ở lòng đường phải thực hiện phương châm “dứt khoát ai có năng lực mới được làm, kết hợp với kinh nghiệm sử dụng camera, phạt nguội để triển khai”.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có 57 bãi đỗ xe (trong trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học…) và 639 điểm đỗ (dưới lòng đường) với tổng diện tích khoảng 135.000 m2. Giữa năm 2017, thành phố Hà Nội từng thí điểm mô hình thu phí trông giữ xe qua ứng dụng Iparking tại 17 điểm trên tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Đến tháng 9/2020, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra thông báo tạm dừng mô hình thu phí trông giữ xe qua ứng dụng iParking với lý do iParking vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt trong đó là cơ chế tài chính. Ngoài ra, ứng dụng iParking chưa thực hiện trích nộp phí trực tiếp về tài khoản Kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó, các đơn vị trông giữ xe theo ứng dụng vẫn chưa trang bị thiết bị để kiểm soát, theo dõi, kiểm tra phương tiện người gửi… |