Mẹ già 102 tuổi nuôi con trai điên dại nơi xóm nghèo
Nhớ bóng mẹ già tựa cửa |
Căn nhà cũ kỹ của cụ Dy rộng chừng 20 mét vuông, các mảnh vôi đã bong tróc, rêu phủ kín chân tường. Bước vào cổng, tôi thấy một bà cụ tóc ngắn bạc phơ ngồi trên giường giương đôi mắt mờ đục cố nhìn ra xa.
Cụ Nguyễn Thị Dy trong căn nhà chật hẹp, bừa bộn |
Ở tuổi này, cụ đã không còn minh mẫn, lúc nào cụ cũng nhìn xa xăm ra ngoài cổng. Đôi mắt đục ngầu chỉ trực chảy nước, miệng cụ chỉ còn vỏn vẹn một chiếc răng. Có khách lạ đến, cụ chỉ nhìn rồi ấp úng vài câu địa phương, nghe không rõ.
Ngồi một lúc, có tiếng động sau tấm rèm che cũ kỹ trên chiếc giường gian bên cạnh, tôi đoán đó là “chú Noong dở” mà người dân nơi đây nhắc đến. Người đàn ông này có vẻ không quan tâm đến sự có mặt của những vị khách lạ trong nhà mình. Anh ta vẫn nằm trên giường, mắc màn rồi châm điếu thuốc. Dù cách một tấm rèm che nhưng tôi vẫn nhìn thấy ngọn lửa đỏ lòm trong góc tối. Dưới chân giường của anh ta dày đặc toàn là đầu lọc thuốc lá, căn nhà sặc mùi hôi của thuốc lá. Người đàn ông này đã tạo cho mình một bức tường vô hình để cách biệt với mọi người xung quanh.
Những đầu lọc thuốc lá nơi chân giường của “chú Noong dở” |
Không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường để hiểu họ nhưng những gì tôi quan sát được cũng đủ để thấy được hoàn cảnh khốn khổ ấy. Một cụ bà lẫn cẫn với tuổi đời hơn một thế kỷ sống chật vật cùng với một người con trai dở dại không có khả năng chăm sóc mẹ già.
Trời càng lúc càng đen nghịt, tôi đi hỏi những người xung quanh về hoàn cảnh và cuộc sống của cụ nhưng nhà nào cũng đóng cửa im lìm. Cả cái khu này, dường như không chỉ riêng nhà cụ Dy đều im ắng một cách đáng sợ. Quay lại nhà cụ Dy sau một hồi hỏi thăm không có kết quả, tôi bắt gặp một người đàn ông trông lôi thôi đứng dựa lưng trước cửa. Anh ta chỉ mặc trên người chiếc quần đùi xộc xệch, râu tóc rậm rạp, thi thoảng làm mấy động tác vô thức.
Tôi cất tiếng chào hỏi nhưng anh ta chỉ đáp lại bằng tiếng ú ớ với những câu địa phương vô nghĩa. Đứng luyên thuyên vài câu, anh ta quay vào nơi chiếc giường mắc rèm kín, buông đôi dép tổ ong, vén màn rồi chui vào, bật lửa châm điếu thuốc. Căn nhà ẩm mốc lại nồng lên thứ mùi hôi hám, bao trùm cả con người. Đó chính là “chú Noong dở”, con trai của cụ Dy, một con người sống trong sự cách biệt với thế giới bên ngoài.
Tò mò về cuộc sống của hai mẹ con cụ Dy, tôi tiếp tục đi tìm hỏi những người trong thôn nghèo. May mắn thay, tôi gặp một gia đình bán tạp hóa ở đầu làng. Họ kể rằng: “Trước đây, cụ Dy có một người con trai ruột nhưng người này đã mất từ lâu, chú Noong dở là người dân tộc Mường, được bà cụ nhận nuôi từ khi còn nhỏ. Chú Noong dở có một người vợ và hai đứa con trai nhỏ sống ở nhà ngoại. Vợ chú Noong là người cơm nước cho mẹ con cụ Dy rồi lại bận bịu việc đi chợ, tối thì về bên ngoại với hai đứa trẻ”.
Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn, những người biết đến cụ Dy đều không khỏi xót thương. Tuy không giúp đỡ được nhiều nhưng những người dân nơi đây đều nhiệt tình chỉ giúp. Họ mong muốn hoàn cảnh của cụ khấm khá hơn và hy vọng những tấm lòng hảo tâm chung tay vá chiếc lá rách này lành lặn hơn.