Long Biên: Các địa phương hoạt động thông suốt sau sáp nhập
Các xã sau sáp nhập đảm bảo công việc thông suốt, không gián đoạn Hà Nội sẽ thực hiện tinh giản theo tinh thần của Trung ương Hà Nội định hướng giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối |
Tạo sự thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân
Từ ngày 1/1/2025, ba tổ dân phố của phường Sài Đồng là 15, 16, 17 được nhập về phường Phúc Đồng. Kết quả sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 4,66km2 (đạt 84,73% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 21.739 người (đạt 144,93% so với tiêu chuẩn), lấy tên là phường Phúc Đồng, đặt trụ sở làm việc tại UBND phường Phúc Đồng hiện tại.
Với đa số người dân phường Sài Đồng cũ, sau 1 tuần sáp nhập đơn vị hành chính, dù có sự thay đổi nhưng họ luôn nhận thức được đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước
Ông Đinh Văn Thức, Bí thư chi bộ TDP 15 (phường Sài Đồng cũ) cho hay: “Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải làm như vậy để tăng sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh của Nhân dân. Chủ trương của Đảng rất đúng đắn, bà con phường Sài Đồng đồng tình, ủng hộ".
Ông Đinh Văn Thức trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ thủ đô |
Ông Vũ Xuân Lộc - Tổ trưởng tổ dân phố 5 (phường Sài Đồng cũ), quận Long biên chia sẻ, đa số hộ dân tại đây ủng hộ phương án được phê duyệt là các TDP số 15, 16, 17 và một phần tổ 14 của phường Sài Đồng sẽ nhập vào phường Phúc Lợi. Có được kết quả này cũng nhờ người dân đã được tuyên truyền sâu rộng từ thời gian dài trước khi được lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính, nên đều nhận thức rõ về sự cần thiết của việc thực hiện Đề án này.
"Đến nay, sau 10 ngày làm việc, sinh sống trong bộ máy phường mới, do đã được quán triệt, tuyên truyền sâu rộng từ tháng 3/2024 đến giờ, chúng tôi không còn lấn cần gì, đều tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước, với tâm thế sẵn sàng bắt tay vào công việc trong phường mới. 2 ngày qua, chúng tôi cũng không nhận được phản ánh gì của người dân liên quan việc giải quyết thủ tục. Từ các cuộc họp trước khi sáp nhập phường, người dân được thông báo rõ sẽ được tạo thuận lợi tối đa, không thu phí và lệ phí khi sau này muốn chuyển đổi giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính, nên đã hoàn toàn yên tâm"- bà Nguyễn Thị Vui, TDP số 17 phường Phúc Đồng (trước là TDP số 17 phường Sài Đồng, Quận Long Biên).
Đáng chú ý, để bảo đảm quyền lợi và không xáo trộn sinh hoạt người dân do thay đổi địa giới hành chính, thực hiện chỉ đạo của TP, các sở, ngành đã hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi giấy tờ nhân thân, theo phương án giải quyết TTHC không thu phí, lệ phí.
Liên quan đến hỗ trợ người dân tại các đơn vị có sắp xếp trên địa bàn TP Hà Nội, ông Trần Đình Cảnh cho biết, UBND cấp thành phố đã chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp ĐVHC chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC. Đồng thời, chỉ đạo Công an TP, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan của TP đã xây dựng phương án hỗ trợ tổ chức, công dân trong việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ do sắp xếp ĐVHC. TP đã chỉ đạo sau khi thực hiện sắp xếp xong ĐVHC, các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện làm thủ tục, hồ sơ cho tổ chức và cá nhân ngay tại thôn, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn và không thu lệ phí của tổ chức, cá nhân. Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng. |
Đã chuẩn bị từ sớm, từ xa cho bài toán nhân sự
Dù mới đi vào hoạt động được 1 tuần nhưng các yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân đều được cán bộ, công chức phường Phúc Lợi (sáp nhập một phần phường Sài Đồng vào phường Phúc Lợi), tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và tiếp nhận xử lý, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm mọi quyền lợi tối đa của người dân.
Theo Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi Bùi Anh Tuấn, Sau khi sáp nhập, diện tích địa giới hành chính của phường Phúc Lợi tăng rất lớn, từ 6 km² lên gần 7 km². Về dân số, sẽ tăng từ khoảng 22.000 lên khoảng 34.000, do đó công việc và địa giới hành chính sẽ có sự thay đổi đáng kể. Diện tích rộng hơn, công tác quản lý sẽ vất vả hơn, cũng như việc chăm lo cho nhân dân sau khi sáp nhập sẽ khó khăn hơn.
Công chức làm việc tại Bộ phận một cửa phường Phúc Lợi |
Dù có khó khăn về mặt chia tách địa giới hành chính, nhưng theo Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi, sau khi nhận một phần đất tự nhiên của phường Sài Đồng, phường Phúc Lợi đã được bổ sung một số cán bộ, công chức, bù đắp vào phần thiếu từ trước đó của phường.
“Biên chế cán bộ, công chức của phường hiện tại vẫn còn thiếu. Do vậy, khi sáp nhập phường Sài Đồng, một số cán bộ ở phường Sài Đồng sẽ được bố trí chuyển về phường Phúc Lợi để làm việc. Còn đối với các cán bộ cũ ở phường Phúc Lợi thì vẫn giữ nguyên. Chúng tôi cũng sẽ được bổ sung thêm một số cán bộ từ phường Sài Đồng vì thực tế lượng công việc sẽ phải tăng lên. Do vậy, số lượng cán bộ, công chức cũng sẽ được bổ sung”, ông Tuấn cho biết.
Đối với phường Phúc Đồng, phường sẽ tiếp nhận 1.300 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu. Sau sáp nhập, phường Phúc Đồng sẽ có khoảng 24.000 nhân khẩu. 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học phường Sài Đồng sẽ nhập về phường Phúc Đồng.
Ông Nguyễn Tiến Linh – Chủ tịch UBND phường Sài Đồng chia sẻ: Các đồng chí cán bộ công chức là những người mà mới nhận nhiệm vụ thì phải có thời gian để tiếp cận những cái nội dung mới như là các địa phương mới và chúng tôi cũng sẽ phân công các nhiệm vụ làm sao cho phù hợp với cả từng vị trí công việc của các đồng chí và trong quá trình đó thì nó cũng căn cứ vào cái tâm tư, nguyện vọng của từng đồng chí để làm sao phát huy được cái sự tính tập thể của của tập thể Đảng bộ, Ủy ban nhân dân dân và các khả năng, năng lực của từng đồng chí một.