Liên tục phát hiện đường dây buôn, bán thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu
Liên tiếp bắt giữ thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu
Ngày 14/9, tại một kho hàng ở thôn Thạch Lỗi (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan TP HCM, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội), Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) kiểm tra đồng loạt 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm.
Hàng hóa vi phạm được nhập khẩu từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài và ngụy trang dưới hình thức quà biếu, quà tặng được gửi theo loại hình chuyển phát nhanh.
Qua kiểm tra, lực lượng Hải quan đã thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 như: Favipiravir Tablets 200mg; Fabiflu 400mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules…
Lực lượng Hải quan đã thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 tại sân bay Nội Bài |
Trước đó, ngày 10/9, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP HCM, Công an Quận 8 triệt phá, thu giữ lô thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu từ Trung Quốc.
Lực lượng chức năng đã phối hợp ra hiệu lệnh dừng ô tô tải BS 51D-483.90 do Trần Văn Hoàng (38 tuổi, quê Kiên Giang) điều khiển, đang lưu thông trên địa bàn Quận 8, để kiểm tra. Công an đã phát hiện trên xe tải này có 400 hộp thuốc nhãn hiệu Trung Quốc được gọi là “Liên Hoa Thanh Ôn”.
Toàn bộ số thuốc chưa được phép lưu hành và không có hóa đơn chứng từ. Loại thuốc này được quảng cáo là điều trị bệnh Covid-19 và đang được bán lén lút cho người dân trong nước.
Còn tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 6 đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng phát hiện và tạm giữ hơn 121 hộp tự phong là "thuốc điều trị Covid-19", tại một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa ở đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm).
Trong quá trình làm việc, chủ cơ sở này cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh hoặc liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số hộp thuốc tự phong là điều trị Covid-19 này.
Đồng thời, đối tượng khai nhận nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp 2 lần để kiếm lời.
Coi chừng “tiền mất, tật mang” vì thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu
Theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 6 (Hà Nội), hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, đại diện lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 6 khuyến cáo người dân cần cảnh tỉnh trước những lời quảng cáo trên môi trường mạng internet về thuốc điều trị Covid-19.
Loại thuốc điều trị Codvid-19 được nhập lậu về Việt Nam |
Tình trạng mua bán thuốc phòng ngừa và chữa Covid-19 được nhiều người dân chia sẻ trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng: “Hành động dựa trên thông tin sai lệch có thể trả giá bằng tính mạng”.
WHO cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới, gần 6.000 người trên toàn cầu đã phải nhập viện, trong khi ít nhất 800 người có thể đã chết do thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19.
Các cơ quan chức năng và ngành Y tế Việt Nam đã cũng đưa ra nhiều khuyến cáo người dân khi mắc Covid-19. Điều trị Covid-19 không đơn thuần là dùng thuốc. Người bệnh không nên nhầm lẫn giữa mục đích là cần có thuốc với điều trị bệnh, vì thuốc chỉ là một phần trong quá trình điều trị bệnh.
Người bệnh phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh với các triệu chứng khác nhau và thuốc sử dụng cho bệnh nhân có nhiều loại, tùy theo triệu chứng bệnh và giai đoạn bệnh. Các thuốc điều trị dự phòng cần có sự kết hợp nhiều loại khác nhau, phối hợp an toàn và hiệu quả. Điều quan trọng là việc dùng thuốc cho người bệnh phải có sự hướng dẫn của đội ngũ y tế.
Hơn nữa, theo quảng cáo của các trang mạng xã hội, thuốc điều trị Covid-19 trên thị trường có rất nhiều loại, người mua rất dễ mua thuốc theo cảm tính, theo quảng cáo. Nhiều loại thuốc nhập lậu không có nhãn phụ, không rõ thành phần và tác dụng… Việc sử dụng thuốc như vậy không có hiệu quả mà còn dễ gây ra hậu quả xấu.
Bác sĩ Trần Tuấn Dũng, khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo người dân không nên săn lùng uống các loại thuốc này vô tội vạ, dẫn đến tiền mất tật mang.
Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, do đó cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị ở buồng bệnh hồi sức tích cực.
Ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được hồi sức tích cực. Covid-19 không chỉ điều trị bằng thuốc là khỏi. Một số ca nặng cần can thiệp như lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)…
Điều trị bệnh nhân Covid-19 không chỉ là dùng thuốc mà cần phải nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng, uống đủ nước, dinh dưỡng, vận động hợp lý, tinh thần lạc quan.