Lãnh đạo Daihatsu từ chức sau bê bối gian lận kiểm định an toàn
Ông Soichiro Okudaira tuyên bố rời khỏi vai trò Chủ tịch của Daihatsu, người kế nhiệm là ông Masahiro Inoue - cựu Giám đốc điều hành của Toyota khu vực Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, Chủ tịch hội đồng quản trị (chairman) Sunao Matsubayashi của Daihatsu cũng đã từ chức và vị trí này bị hủy bỏ, không có người thay thế.
Trước khi tuyên bố từ chức, ông Soichiro Okudaira là người có vai trò điều hành toàn bộ hoạt động của Daihatsu. Nhà lãnh đạo sinh năm 1956 này đã trải qua gần 4 thập kỷ làm việc cho Toyota trước khi ngồi vào vị trí cao nhất tại Daihatsu vào năm 2017, chỉ một năm sau khi Daihatsu hoàn tất sáp nhập vào tập đoàn ô tô hàng đầu Nhật Bản.
Ông Masanori Kuwata sẽ trở thành phó chủ tịch điều hành chịu trách nhiệm về việc cải tổ văn hóa công ty. Một phó chủ tịch khác là ông Hiroshima Hoshika sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống vận hành liên quan đến các quy định và chứng nhận, đồng thời là người đứng đầu nhóm quản lý chất lượng của Daihatsu.
Hội đồng quản trị mới sẽ chính thức tiếp quản vị trí từ ngày 1/3/2024. Việc thay đổi cơ cấu lãnh đạo Daihatsu thể hiện sự quyết tâm của Toyota trong việc tái cấu trúc công ty con, nhằm lấy lại vị thế và niềm tin của khách hàng về thương hiệu này. Ông Koji Sato, CEO của Toyota, xác nhận rằng động thái này không phải là một hình phạt mà tập đoàn ô tô Nhật Bản dành cho các nhân sự có liên quan.
Toyota cho biết sẽ họp bàn với Daihatsu và các đối tác liên quan nhằm đề ra chính sách quản lý mới hiệu quả và minh bạch. Thông tin cụ thể không được nêu chi tiết, nhưng ông Sato có cho biết Daihatsu Toyota sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch sản phẩm và chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng xe xuất khẩu của Daihatsu.
Vụ bê bối của Daihatsu diễn ra từ tháng 5/2023, sau khi một cuộc điều tra phát hiện công ty này gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn va chạm bên hông. Cụ thể, Daihatsu đã sai phạm trong bài kiểm tra có mã ký hiệu UN R135 mô tả các thử nghiệm khi xe bị một vật như cột điện (hoặc vật thể tương tự tác động vào thành xe) trên các mẫu xe Toyota Raize hybrid, Daihatsu Rocky hybrid.
Theo quy định, hãng cần phải tiến hành thử nghiệm va chạm cả bên sườn trái và sườn phải của xe. Sau đó, hãng phải nộp dữ liệu thử nghiệm va chạm của cả hai bên sườn. Tuy nhiên, Daihatsu lại chỉ tiến hành thử nghiệm va chạm bên sườn phía ghế phụ lái (bên trái) và lấp liếm thành kết quả của hai bên sườn trái và phải.
Thời điểm đó, vụ gian lận khiến cho 78.440 xe bị ảnh hưởng, trong đó có 56.111 chiếc Raize hybrid và 22.329 chiếc Rocky hybrid bị ngừng bán tại Nhật Bản.
Kết quả điều tra của lực lượng chức năng sau đó còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường mới ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm. Tổng cộng, có 64 mẫu xe liên quan đến vụ gian lận này, trong đó có các dòng xe mang thương hiệu Toyota, Mazda và Subaru.