Giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động
Sáng 11/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Trả lời chất vấn của của đại biểu về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Có sự lúng túng, bị động không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có một phần trách nhiệm chứ không phải chịu trách nhiệm chính, vì vấn đề này còn liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, làn sóng lao động rời TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần, mà là ba lần và theo số liệu của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thì con số này vào khoảng 3 triệu người.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11. |
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này. Thứ hai là giải quyết sinh kế là việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh. Quan trọng hơn nữa là qua việc này chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo.
Người đứng đầu Quốc hội đặt câu hỏi, chúng ta có cam kết là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang rất khó lường. Chúng ta không được chủ quan, cần phải thảo luận về các nguyên nhân và trách nhiệm giải quyết các vấn đề sắp tới như thế nào và cần làm gì để không tái diễn thực trạng trên.
Cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền Trung ương và cả chính quyền địa phương nơi có lao động rời đi và địa phương trở về; cách thức tổ chức nhận lại lao động như thế nào. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm.
Bài toán kéo 1,3 triệu lao động trở lại làm việc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động trở về quê trong đợt dịch thứ tư là tương đối lớn. Ông cho biết có ý kiến khác nhau về số liệu nhưng sau khi đã nghe và xem trực tiếp tổng kết tất cả báo cáo của các địa phương cùng với thống kê tiến hành rà soát, phân loại ban đầu thì con số chính thức lao động về quê của chúng ta khoảng 1,3 triệu người. Con số này chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TPHCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê.
Bộ trưởng Lao động TB&XH Đào Ngọc Dung |
Qua khảo sát và làm việc với các tỉnh phía Nam cho thấy khoảng 30% người dân các địa phương đã về quê có nhu cầu quay trở lại TPHCM và các tỉnh phía Nam làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác, còn lại phần đông là muốn ở lại quê. Nhưng trong số ở lại quê thì cũng chỉ có khoảng 40% muốn có công việc tại quê.
Trên cơ sở đó, Bộ đã liên hệ và sau khi trao đổi với các địa phương thì thấy có ba vấn đề lớn. Thứ nhất, các địa phương cùng với TPHCM và các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở lại làm việc.
Thứ hai, các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã giới thiệu người lao động về quê đi làm việc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Riêng Bắc Giang, cho đến thời điểm này đã tăng hơn 50 nghìn lao động so với thời điểm trước dịch.
Thứ ba, là tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình.
Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.