Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-2022): Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - người chiến sĩ Cộng sản đã hiến dâng trọn cuộc đời vì nước vì dân |
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Tá Chuyên) |
Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.
Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong cùng Phạm Hồng Thái và một số thanh niên yêu nước Nghệ - Tĩnh lên đường sang Xiêm (Thái Lan) với quyết tâm “nếu không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc, quê hương”. Đầu năm 1924, từ Xiêm, Lê Hồng Phong đến Quảng Châu (Trung Quốc) và gia nhập Tâm Tâm xã - một tổ chức của nhóm thanh niên yêu nước, hoạt động bí mật với tôn chỉ mục đích “Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam không phân biệt ranh giới, đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”.
Tháng 12/1924, tại một cơ sở bí mật của Tâm Tâm xã ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong lần đầu tiên được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, Lê Hồng Phong đã tiếp thu được những quan điểm mới về con đường cứu nước và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng sớm nhận thấy những phẩm chất cách mạng ưu tú, tài năng của đồng chí.
Tháng 2/1925, tại Quảng Châu, Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên yêu nước như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu... được chọn vào nhóm Việt Nam Thanh niên Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc thành lập và trở thành hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - lớp thế hệ cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đồng chí vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.
Không phụ lòng của người thầy dẫn dắt, đồng chí Lê Hồng Phong đã từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo. Với những đóng góp to lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1932-1935, đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản; Được Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng… Dù ở cương vị và điều kiện nào, đồng chí cũng xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tấm gương người cộng sản kiên cường
Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, mật thám Pháp dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của đồng chí. Không tìm ra chứng cứ để buộc tội đồng chí Lê Hồng Phong, ngày 30/6/1939, tòa án Sài Gòn đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở Nghệ An.
Tuy đã theo dõi chặt chẽ những hoạt động của Lê Hồng Phong hòng âm mưu tách đồng chí ra khỏi tổ chức, cắt đứt mối liên lạc với phong trào cách mạng, với Trung ương Đảng, song chính quyền thực dân vẫn lo ngại về sự tự do của người cộng sản Lê Hồng Phong.
Tháng 1/1940, mật thám Nam Kỳ ra Nghệ An bắt đồng chí Lê Hồng Phong lần thứ hai và áp giải vào giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn. Trong gần 1 năm giam giữ, tra tấn, hành hạ, thực dân Pháp vẫn không tìm được lý do để kết tội tử hình đối với đồng chí. Biết đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng, có con nhỏ được mấy tháng tuổi, chúng đã để hai người gặp nhau, hòng lung lạc tinh thần, qua đó có cớ khép tội đồng chí dính líu tới “âm mưu lật đổ chính phủ Nam Kỳ” nhưng chúng đã thất bại.
Mặc dù vậy, thực dân Pháp vẫn buộc tội đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo.
Trong những ngày bị biệt giam, kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, hòng làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Những trận đòn thù tàn ác, dã man, liên tục đó làm đồng chí Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức. Đồng chí đã vĩnh biệt anh em, đồng chí của mình vào trưa 6/9/1942.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong diễn ra vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cùng với các nghị quyết về xây dựng Đảng.
Đây là dịp để chúng ta thành kính tri ân công lao, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân; Qua đó củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chiều 5/9, tại Nghệ An, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam". Từ sự phân tích những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong với Đảng và cách mạng Việt Nam, các tham luận tại Hội thảo đều đi đến thống nhất khẳng định, đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. |