Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Cảnh báo nhiều mối lo kinh tế Việt Nam phải “đối mặt” năm 2021 Kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ trong “một năm thật đặc biệt” |
Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa phát hành, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,5% (so với cùng kỳ năm trước) trong quý IV/2020, nhờ đó đã tăng trưởng 2,9% trong năm 2020.
Theo WB, mặc dù tốc độ tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với mức 7,0% trong năm 2019, nhưng Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong đại dịch.
Ở cấp ngành, nông nghiệp hóa ra lại có khả năng chống chịu tốt nhất với tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,68%, cao hơn khoảng 0,67 điểm phần trăm so với năm 2019. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng lần lượt 3,98% và 2,34%, thấp hơn khoảng 5 điểm phần trăm so với năm trước.
Các lĩnh vực liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19, trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 14,7% vào năm 2020 so với năm trước, trong khi số lượng du khách nước ngoài vào năm 2020 chỉ bằng 21,3% so với con số được ghi nhận một năm trước.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của WB, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, với tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 12, trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Vào tháng 12/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại sau đợt sụt giảm ngắn trong tháng 11. Chỉ số này đã tăng 11,1% (so với cùng kỳ năm trước), là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 2.
Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng từ 49,9 trong tháng 11 lên 51,7 trong tháng 12, báo hiệu sự mở rộng của ngành công nghiệp chế biến.
Cùng với đó, doanh số bán lẻ (SA) tăng trưởng ở mức 9,4% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2020, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Theo WB, tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước với doanh số bán lẻ hàng hóa cao hơn 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với những quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, và dịch vụ lữ hành trong tháng 12/2020 lần lượt giảm 5,4% và 68,2% (so với cùng kỳ năm trước).
Bên cạnh đó, thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì được đà tăng. Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tháng 12 lần lượt tăng 17,8% và 23,1% (so với cùng kỳ năm trước), ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 tháng 2/2020. Do đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 279,6 triệu USD vào tháng 12/2020, tiếp tục chuỗi thặng dư trong 8 tháng và kết thúc năm với tổng thặng dư kỷ lục 19,3 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm lại trong tháng 12. Vốn FDI đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD vào tháng 12/2020, thấp hơn khoảng 28,9% so với tháng trước và thấp hơn 66,3% so với tháng 12 năm trước. Tính chung, Việt Nam đã thu hút được hơn 28,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2020, thấp hơn khoảng 25% so với năm 2019.
Trong báo cáo của mình, WB cho rằng, trong thời gian tới, cần chú ý đến Việt Nam sẽ phục hồi như thế nào sau đại dịch.
Theo WB, việc phê duyệt một số vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2020 mang lại hy vọng về triển vọng tích cực hơn vào năm 2021, đặc biệt là đối với ngành du lịch và hàng không.