Kim chỉ Nam để người Hà Nội tiếp tục khẳng định bản sắc
Kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Hà Nội Người Hà Nội thực hiện "Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp" Xác định và phát triển hệ giá trị đặc trưng của người Hà Nội |
Hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia
Khẳng định sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng cho biết: “Đáng chú ý, đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, hài hòa với việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam”.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng phát biểu tại tọa đàm |
Với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc mà còn là biểu tượng đại diện cho bản sắc, hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do vậy, việc xây dựng hình ảnh “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là nhiệm vụ trọng yếu của TP - trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngoại giao của cả nước.
Tại tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng tiêu chí Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” diễn ra sáng 13/12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và con người Việt Nam đã được đặt ra và thảo luận từ lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh giai đoạn mới, điều quan trọng là phải xác định cách thức triển khai cụ thể, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập hiện nay.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm |
Tiếp nối các hội nghị tọa đàm đã tổ chức trong năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục tổ chức hội nghị tọa đàm lần này nhằm quán triệt sâu sắc, toàn diện 3 hệ giá trị: Hệ giá trị văn hóa (dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học), hệ giá trị gia đình (ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh) và hệ giá trị con người Việt Nam (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo).
Phát biểu đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội và phát triển bền vững.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ về hai phương án xây dựng chuẩn mực “Người Hà Nội - Hào hoa - Thanh lịch - Nghĩa tình - Văn minh” |
Chia sẻ về hai phương án xây dựng chuẩn mực “Người Hà Nội - Hào hoa - Thanh lịch - Nghĩa tình - Văn minh” trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, đồng chí Trần Thị Vân Anh cho biết với phương án thứ nhất, các chuẩn mực không chỉ kết nối nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế mà còn khẳng định vị thế của Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị và hội nhập quốc tế của cả nước. Những chuẩn mực này tạo nên hình ảnh con người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhưng luôn sáng tạo và hiện đại, góp phần định hình “sức mạnh mềm” của Thủ đô Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Trong khi đó, phương án 2 sẽ nhấn mạnh vai trò đại diện của Thủ đô qua các hành động, giá trị và tinh thần của con người Hà Nội, đồng thời đặt họ vào vị trí dẫn dắt trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Quang cảnh hội nghị tọa đàm |
Dù lựa chọn phương án nào, việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và thực hiện liên tục. Các tiêu chí cần được xác định rõ ràng, ngắn gọn, dễ nhớ và dễ thực hiện, nhằm phù hợp với bối cảnh mới. Những chuẩn mực này không chỉ là đích đến mà còn mà còn là kim chỉ nam để người Hà Nội tiếp tục khẳng định bản sắc, vai trò trong thời đại hội nhập và phát triển.
Cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến rất tâm huyết được đưa ra để cùng tham góp với các nhà quản lý văn hóa trong vấn đề được rất nhiều người quan tâm. GS Bùi Xuân Đính - Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam bày tỏ: Xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ về các mặt, song các giải pháp cần ưu tiên, cần coi trọng trước hết là xây dựng được ý thức, tác phong sống và làm việc theo pháp luật cho mọi công dân, vì đây là tiêu chí đầu tiên, cốt yếu của con người trong một xã hội văn minh, vì pháp luật là tiêu chí chung nhất để đánh giá các hành vi của mỗi người.
GS Bùi Xuân Đính đóng góp ý kiến về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh |
Một khi con người luôn có ý thức sống theo các quy định của pháp luật, coi đó là một thói quen bất di bất dịch, một nhu cầu thiết thân sẽ loại bỏ được thói quen xấu của lối sống truyền thống (như tính tùy tiện, không tuân thủ các quy định chung về giao thông, vệ sinh môi trường, trật tự… ở những nơi công cộng, khu tập thể, các chung cư), cả cách hành xử với nhau với mỗi khía cạnh, hiện tượng của đời sống thường ngày. Không có được tiêu chí đó, không thể gọi là con người “thanh lịch, văn minh”.
Đây cũng là tiêu chí, là điều kiện để con người có thể làm được những điều, những việc lớn hơn, loại bỏ được các mặt hạn chế cơ bản, các tính xấu khác, như tùy tiện, dễ làm càn, đố kỵ, vụ lợi, cục bộ, bè cánh...
Đây là yếu tố tạo ra sự thiếu hiểu biết pháp luật, nhờn luật, thậm chí coi thường pháp luật trong một bộ phận cư dân, một bộ phận đông giới trẻ. Các lực lượng chức năng, các cơ quan công quyền cần kiên quyết “mạnh tay” với các hiện tượng vi phạm các quy định chung, nhất là vi phạm pháp luật.
Thứ hai, coi trọng giáo dục gia đình và đề cao trách nhiệm của gia đình trong giáo dục con cái theo các khuôn mẫu. Đây là giải pháp “nền”, bởi gia đình là tế bào của xã hội, là nơi hình thành nhân cách của mỗi người. Một gia đình tốt, nền nếp sẽ tạo ra những con người có ích cho xã hội, từ lối sống đến việc học hành, lao động, cống hiến cho xã hội. Ngược lại, một gia đình không quan tâm đến giáo dục con cái thì hệ quả là những đứa con không chịu học hành, tu dưỡng, phát triển lệch lạc, dễ để lại hậu quả xấu cho xã hội.
Thứ ba, coi trọng công tác tuyên truyền về những biểu hiện cụ thể của “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” bằng nhiều hình thức, ở nhiều môi trường khác nhau, để mỗi công dân Thủ đô biết được, hiểu được và tự hào với những giá trị đó, để noi gương, rèn luyện và nhắc nhở mọi người trong cộng đồng giữ gìn các giá trị bản sắc đó.
Điều này càng có ý nghĩa khi rồi đây, Thủ đô tiếp tục thu hút một lượng lớn cư dân thuộc đủ các thành phần kinh tế - xã hội các địa phương về sinh sống, làm việc; làm sao để các nhóm cư dân thích ứng được với lối sống đô thị, hạn chế và loại bỏ những xung đột của lối sống truyền thống khi cùng chung sống và làm việc với nhau.
TS Nguyễn Viết Chức phát biểu tại hội nghị |
TS Nguyễn Viết Chức cho rằng: Trong mọi hoàn cảnh của lịch sử, người Hà Nội về cơ bản vẫn mang đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp người Việt Nam. Tuy nhiên, người Hà Nội vẫn có những nét riêng tạo nên bản sắc của người “kinh sư muôn đời”. Bước vào kỷ nguyên mới, những phẩm chất nào của người Hà Nội cần giữ gìn và phát huy, những phẩm chất nào cần bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Tiên phong là phẩm chất cần có đối với người Hà Nội bên thềm kỷ nguyên mới. Người Hà Nội được một tài sản lớn nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc, lại được tiếp nhận những điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần với tư cách là công dân Thủ đô, đầu não chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa - xã hội phải là người tiên phong trong mọi lĩnh vực của kỷ nguyên mới. Câu hỏi đặt ra là: nếu người Hà Nội không tiên phong thì còn chờ ai? Chờ nơi nào tiên phong?!
Muốn tiên phong, muốn sáng tạo phải có bản lĩnh. Bản lĩnh trong học tập, lao động. Bản lĩnh trong cuộc sống. Kỷ nguyên mới với nhiopj độ phát triển có phạm vi và cấp độ mở cửa, hội nhập sâu rộng, cơ hội và thách thức lớn và phức tạp! Không có bản lĩnh không thể thích ứng được!
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số, kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên cách mạng 4.0, không cho phép lạc hậu trong tư duy cũng như tác nghiệp. Sáng tạo là phẩm chất hàng đầu để đáp ứng yêu cầu này!
Bao dung là phẩm chất vốn có trong người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Hà Nội. Nếu không bao dung làm sao là cái nôi nuôi dưỡng hiền tài từ mọi miền đất nước về đây. Kỷ nguyên mới, Hà Nội còn phải hội tụ bốn phương cả về nhân lực và tài lực. Bởi thế phẩm chất bao dung hơn bao giờ hết cần được phát huy ở cấp độ mới, hàm chứa ý nghĩa rộng lớn cả về vật chất và tinh thần, cr nội dung và hình thức của phẩm chát này, nhằm đáp ứng yêu cầu mới.