Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng đốt pháo trong đám cưới ở Sóc Sơn
Trần Văn Khang (ảnh nhỏ) - nghi phạm gây ra vụ đốt pháo tại một đám cưới ở xã Phù Lỗ vừa bị Công an huyện Sóc, Hà Nội bắt giữ
Bài liên quan
Cảnh báo tai nạn pháo nổ dịp Tết
Bắt 7 đối tượng đốt pháo sáng sau trận chung kết bóng đá nam SEA Games
Công an Hà Nội huy động nhiều lực lực bảo đảm an ninh trật tự cho trận Việt Nam – Thái Lan
Liên quan đến vụ đốt pháo ở đám cưới tại xã Phù Lỗ, chiều 4/3, Đại tá Lê Ngọc Ly, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn cho biết đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng. Cơ quan công an cũng quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Khang (ở khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngoài ra, Đại tá Ly cũng thông tin, cơ quan công an đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an TP Hà Nội khẩn trương triển khai các mũi điều tra, làm rõ và thi hành lệnh bắt giữ các đối tượng liên quan khác trong vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh hàng chục mét pháo được đốt trước cổng ngôi nhà đang tổ chức đám cưới ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội khiến dư luận xôn xao |
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, chiều 4/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vụ đốt pháo trong đám cưới ở huyện Sóc Sơn theo quy định pháp luật.
Theo đó, trong ngày 3 - 4/3/2020, các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều thông tin phản ảnh về việc một gia đình tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn đốt bánh pháo dài hơn 50m để mừng đám cưới. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 406-TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
Về việc này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; giao Giám đốc Công an thành phố đôn đốc, hướng dẫn Công an huyện Sóc Sơn khẩn trương điều tra, xử lý đúng người, đúng hành vi, không bỏ sót, lọt cá nhân vi phạm.
Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 15/03/2020 và có thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Liên quan tới vụ việc trên, ngày 4/3, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã triệu tập một số người để điều tra, làm rõ vụ đốt số lượng lớn pháo nổ trong đám cưới trên địa bàn xã Phù Lỗ.
Ngay khi tiếp nhận thông tin về việc có một gia đình ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn tổ chức đám cưới đã đốt số lượng lớn pháo bên trong rạp và ngoài đường, tiếng nổ kéo dài, xác pháo đỏ cả góc đường, Công an xã Phù Lỗ đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an huyện Sóc Sơn xuống hiện trường, lập biên bản sự việc.
Công an huyện Sóc Sơn cũng phối hợp với Phòng Quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an TP Hà Nội thực hiện các hoạt động điều tra nguồn gốc số pháo, người tổ chức đốt pháo và các vấn đề liên quan đến vụ việc.
Trong khi đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh, video clip một đám cưới ở xã Phù Lỗ rải pháo thành 3 - 4 dãy trước cửa nhà và treo pháo dọc hai bên lối vào nhà để đốt. Những dàn pháo này được rải ngay sát đường quốc lộ, khói từ pháo bốc lên trắng xóa, xác pháo đỏ ngổn ngang trên mặt đường.
Hình ảnh, clip đối tượng rải pháo đốt trước cổng ngôi nhà đang tổ chức đám cưới tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được chia sẻ trên mạng xã hội |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Hiện nay Nhà nước cấm việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ. Tùy thuộc vào hành vi và hậu quả mà những người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi đốt pháo của gia đình tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn là vi phạm pháp luật. Trước tiên, cơ quan chức năng cần xác định người đốt pháo là ai? Có hành vi tàng trữ, mua bán hay không? Giám định trọng lượng của số pháo nổ nêu trên cụ thể là bao nhiêu thì sẽ xác định được hình thức và mức xử lý cụ thể.
Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
2. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền; b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.
4. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.
8. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm c, Khoản 1; điểm b, Khoản 2; điểm d, đ, g, Khoản 3; điểm a, c, d, Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 của điều này.
Ngoài mức xử phạt hành chính nêu trên, hành vi đốt pháo (hay tàng trữ pháo) trái pháp luật nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 191, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đồi bổ sung năm 2017 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, việc đốt pháo vào các dịp lễ Tết hoặc đám hỷ có thể là truyền thống hoặc quan điểm của người dân mong muốn cuộc sống tươi vui, giòn giã, vui vẻ. Tuy nhiên, đốt pháo rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của những người xung quanh. Do đó, pháp luật đã nghiêm cấm các hành vi sử dụng, tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, buôn bán liên quan đến pháo, chất nổ. Chỉ có các doanh nghiệp hoặc tổ chức được cấp phép mới được sử dụng, sản xuất loại chất nổ này. Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; vận động gia đình, những người xung quanh thực hiện, đảm bảo an toàn của bản thân và cộng đồng xã hội.
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: c) Pháo nổ từ 6 kilôgam đến dưới 40 kilôgam.