Khởi tố người phụ trách quản trị của Tổng công ty VEAM
Theo nguồn tin phóng viên nắm được, ngày 30/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã thi hành quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Anh Sơn - người phụ trách quản trị Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Thông tin này được ông Lê Minh Quy - Phó Tổng Giám đốc VEAM công bố ngày 31/8. Tuy nhiên, việc ông Trần Anh Sơn bị khởi tố vì tội danh gì thì không được công bố.
Thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo của VEAM đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bắt vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại tổng công ty và một số đơn vị thành viên.
Đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Công an vẫn đang điều tra nhiều vụ án hình sự liên quan đến VEAM và các đơn vị thành viên. Hồi cuối tháng 3/2021, công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEAM và một số đơn vị liên quan.
Trụ sở Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) |
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đề nghị truy tố các bị can: Trần Ngọc Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang - nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công, đều nguyên Phó Tổng Giám đốc VEAM, cùng một số bị can khác.
Theo kết luận điều tra, bị can Trần Ngọc Hà giữ chức Tổng Giám đốc VEAM từ 2015-2019, là người điều hành hoạt động của tổng công ty. Trong thời gian giữ chức vụ này, bị can Hà không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản nhà nước.
Từ những hành vi sai phạm của bị can Hà dẫn tới VEAM thất thoát tiền của Nhà nước tổng số hơn 135 tỷ đồng.
Theo kết luận, ngoài các bị can bị đề nghị truy tố còn một số cá nhân khác thuộc Phòng Kinh doanh, PhòngTài chính của VEAM có hành vi hoàn thiện các thủ tục, ký các chứng từ thanh toán, chuyển tiền. Tuy nhiên, công an cho rằng họ đều là nhân viên cấp dưới, thực hiện theo nhiệm vụ được phân công và theo chỉ đạo của cấp trên nên chưa đến mức bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, các cá nhân thuộc Hội đồng quản trị của VEAM gồm ông Bùi Quang Chuyện (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị) và các thành viên khác là những người chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu Nhà nước về bảo toàn vốn (Bộ Công thương) nhưng không phát hiện hành vi của Trần Ngọc Hà và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước.
Cơ quan điều tra xét thấy sự việc sai phạm diễn ra trong thời gian ngắn, các bị can ký thỏa thuận, chuyển tiền đặt cọc không báo cáo Hội đồng quản trị. Khi phát hiện, Hội đồng quản trị đã kiểm tra giám sát, ban hành nghị quyết yêu cầu làm rõ, xử lý sai phạm nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với các cá nhân này.
Cuối tháng 7/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại VEAM, Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan.
Ngoài việc đề nghị truy tố các hành vi phạm pháp của bị can Trần Ngọc Hà và các đồng phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đề nghị Bộ Công thương xử lý hành chính một số người có liên quan.
Cụ thể, trong quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra cũng làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác liên quan đến việc phạm tội, gồm các cá nhân tại Hội đồng quản trị VEAM, Ban kiểm soát VEAM, các cá nhân tại Vetranco…
Tuy nhiên, cơ quan điều tra thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này nên đề nghị Bộ Công thương xử lý hành chính liên quan sai phạm VEAM trong việc bảo lãnh cho Vetranco gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.