Khơi mạch ngầm dòng chảy văn học về người lao động
Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn |
Khắc họa rõ nét đời sống công nhân, người lao động
Tham dự Lễ trao giải có bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam có ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn; ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam; bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam; ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu |
Bên cạnh đó, lễ trao giải còn có sự tham gia của các tổ chức công đoàn, các nhà văn, các tác giả, tác phẩm tham gia dự thi.
Theo Ban Tổ chức, khởi động và nhận tác phẩm dự thi từ tháng 11/2021 đến ngày 31/8/2023, Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì, báo Lao Động phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 300 tác giả tham gia. Họ là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và có cả Việt kiều.
Trong gần 2 năm kể từ khi khởi động, Ban Tổ chức và ban giám khảo đã nhận được 498 tác phẩm dự thi, trong đó có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết.
Các đại biểu tham dự lễ trao giải |
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn cho hay, hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề viết về công nhân, công đoàn với chất lượng được các thành viên Ban Giám khảo qua hai vòng đều đánh giá cao.
Phần lớn các tác phẩm đã vẽ lên được bức tranh sinh động về đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn. Nhiều tác phẩm đề cập đến hoạt động công đoàn ở cơ sở đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, với không ít khó khăn, vật cản, mà ở đó, người cán bộ công đoàn phải đương đầu, phải thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết và cả sự hy sinh để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.
Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo báo Lao Động tham dự lễ trao giải |
“Thông qua các tác phẩm văn học, xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá.
Nhiều tác phẩm xuất sắc
Trong số các tác phẩm đoạt giải, có những truyện ngắn khiến thành viên Ban Giám khảo ám ảnh. Đó là tác phẩm truyện ngắn “Thợ móc cống” của nhà văn Vũ Đảm. Truyện ngắn mở ra ngày thường của một thợ móc cống bỗng đảo lộn khi vớt được một cái bọc nilon nặng trịch từ dòng nước thải. Thợ Cai - nhân vật chính - bàng hoàng nhận ra đó là một xác thai nhi... Những tình tiết ấy khiến các thành viên Ban Giám khảo đều ám ảnh.
Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao giải Nhất cho các tác giả (Ảnh: Hải Nguyễn) |
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên giám khảo Hội đồng chung khảo - cho rằng, trong khi đề tài về công nhân, người lao động đang thiếu vắng trên văn đàn Việt Nam nhiều năm trở lại đây thì cuộc thi này đóng vai trò như “đòn bẩy” thúc đẩy để mảng đề tài về công nhân, người lao động giữa biến động thời cuộc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 được tiếp thêm sức mạnh. Các tác giả có "đất" để cho ra đời những tác phẩm lớn.
Tại lễ trao giải, Ban Tổ chức đã trao cho 2 tác giả đoạt giải cao nhất ở thể loại truyện ngắn là tác phẩm “Con đường của Hạ” tác giả Trịnh Thị Phương Trà và thể loại tiểu thuyết là tác phẩm “Hoa xương rồng” của tác giả Nguyễn Trí. Cùng với đó là 4 tác phẩm giải Nhì; 3 tác phẩm giải Ba và 12 tác phẩm đạt giải Khuyến khích.
Các tác giả nhận giải Nhì |
Ở tuổi 84 nhưng nhà văn Đặng Huỳnh Thái - tác giả của tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” (tác phẩm đoạt giải Ba) phấn khởi đến dự lễ trao giải. Ông vui mừng chia sẻ: “Cảm ơn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, báo Lao Động và Hội Nhà văn đã tạo ra một sân chơi trí tuệ cho mọi người, nhất là những người công nhân, lao động có nơi bày tỏ hết lòng mình, những niềm vui, nỗi khổ, cực nhọc trong cuộc đời”.
Các tác giả nhận giải Ba |
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tổng Biên tập báo Lao Động, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả |
Thực tế, mảng đề tài về công nhân, người lao động và công đoàn đã từng đóng vai trò là một trong những dòng chảy chính trong nền văn học nước nhà sau Cách mạng tháng Tám và hòa bình lập lại ở miền Bắc với những tên tuổi lớn như các nhà văn: Võ Huy Tâm, Xuân Cang, Huy Phương, Lê Phương, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hiểu Trường, Võ Khắc Nghiêm, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến… Nối tiếp dòng chảy ấy, cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn đã thực sự góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác, khơi lại mạch ngầm văn học về công nhân, người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học nghệ thuật nước nhà.