Khoảng 68 nghìn lao động ở Trà Vinh nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Khoảng 68 nghìn lao động ở Trà Vinh nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp |
Theo đó, đã thực hiện giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 807/876 đơn vị, với 27.420 người lao động, tương ứng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; số đơn vị còn lại đang phối hợp rà soát để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.
Từ ngày 1/10 đến 9/11, tỉnh đã giải quyết hỗ trợ cho 40.715 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 90,3 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 116/NQ-CP, các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh khẩn trương hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Qua đó, bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Trà Vinh đã chủ động lên kế hoạch ứng phó để không ảnh hưởng đến hoạt động. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát trên thế giới và diễn biến phức tạp ở nước ta (phải thực hiện giãn cách xã hội), Trung tâm vẫn đảm bảo tốt các nhiệm vụ được giao. Công tác giải quyết chính sách BHTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện kịp thời, hiệu quả, không gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin được Trung tâm đẩy mạnh trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và giải quyết thủ tục BHTN cho người lao động. Các thủ tục hưởng chính sách BHTN được xử lý bằng công cụ phần mềm chuyên nghiệp do Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) trang bị, giúp rút ngắn thời gian thực hiện, hạn chế tụ tập đông người.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp |
Mục tiêu thực hiện chính sách BHTN là việc hỗ trợ người lao động tái tham gia thị trường lao động, có việc làm và thu nhập để trang trải cuộc sống. Do đó, để kịp thời hỗ trợ người lao động sớm có việc làm trở lại, Trung tâm đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lao động việc làm; kết nối, tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài nước bằng cách trực tiếp hoặc qua mạng xã hội...
Thông tin từ Trung tâm DVVL tỉnh Trà Vinh cho biết, dịch Covid-19 đã khiến hơn 35 nghìn lao động ở tỉnh này mất việc làm, hơn 10% lao động của tỉnh bị ảnh hưởng.
Để giải quyết tình trạng có lượng lớn người thất nghiệp sau đại dịch, Trung tâm DVVL tỉnh Trà Vinh đã kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ.
Nhiều gói hỗ trợ thiết thực như đưa rước người lao động đến làm việc ở các doanh nghiệp ngoại tỉnh, hỗ trợ tiền ăn, ở từ 1 đến 3 tháng đầu cho người lao động quay trở lại làm việc đã được nhiều doanh nghiệp thống nhất đồng ý.
Lãnh đạo Trung tâm DVVL tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị cũng đã tăng cường công tác tư vấn lao động bằng hình thức trực tuyến qua trang web, qua mạng xã hội cũng như cử cán bộ xuống tận xã ấp để tư vấn trực tiếp, nắm bắt nhu cầu việc làm của người dân.
Trong tháng 10 trung tâm đã tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, tiếp cận, tư vấn cho hơn 12 nghìn lao động, trong đó 552 người đã tìm được việc làm phù hợp.
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh cho biết đến hiện tại đơn vị đã kết nối được với 66 doanh nghiệp trong tỉnh và gần 200 doanh nghiệp ngoài tỉnh, có thể giải quyết việc làm cho hơn 11 nghìn lao động đủ mọi trình độ (hơn 90% là lao động phổ thông) của địa phương.
Theo kế hoạch, trong năm nay Trung tâm DVVL tỉnh Trà Vinh sẽ phấn đấu đưa gần 11 nghìn lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, con số này trong năm 2022 tới là từ 15-10 nghìn người.
Trung tâm DVVL Trà Vinh rất chú trọng khai thác thị trường lao động bằng cách tìm kiếm, kết nối với các DN có nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài tỉnh; Đồng thời, phân loại các nhóm yêu cầu tuyển dụng theo nhu cầu của DN, như: theo ngành nghề; theo trình độ lao động (phổ thông hoặc qua đào tạo, bằng cấp)... để lựa chọn và kết nối với các đối tượng lao động phù hợp.
Mặt khác, trung tâm đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức kết nối, giới thiệu việc làm, như: tư vấn truyền thống khi người lao động trực tiếp đến Trung tâm; thực hiện tư vấn cho người lao động tại các xã, phường, thị trấn; Phát triển hình thức tư vấn qua điện thoại, qua mạng xã hội (facebook, zalo) cho những lao động ở xa, có điều kiện sử dụng mạng công nghệ thông tin. Kênh kết nối, truyền tải thông tin đến người lao động cũng rất phong phú, thông qua đội ngũ cộng tác viên của Trung tâm tại các khóm ấp và các hội, đoàn thể cơ sở.