Khó kiểm soát hoạt động giết mổ, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Bài liên quan
Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân, tăng cường phòng chống dịch
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành Nông nghiệp đã phải chịu rủi ro “kép”
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm
Đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm
Dấu hiệu nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Nhân rộng và phát triển thương hiệu gà Mía Sơn Tây
Mê Linh đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Mê Linh (Hà Nội), mặc dù dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên nguy cơ bùng phát vẫn rất đáng lo ngại. Nguyên nhân ban đầu được xác định là công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn huyện chưa được quản lý chặt chẽ.
Thống kê của Phòng Kinh tế huyện cho thấy, trên địa bàn Mê Linh hiện có 58 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Quy mô giết mổ của các cơ sở từ 5 con lợn/ngày, 2 con trâu bò/ngày hoặc 20 con gia cầm/ngày. Mặc dù vậy, chỉ có 6/58 cơ sở đã được các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp phép đủ điều kiện giết mổ và có sự kiểm soát của cán bộ thú y, trong đó có 4 cơ sở giết mổ lợn và 2 cơ sở giết mổ gia cầm.
Đồng chí Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Mặc dù địa bàn có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tuy nhiên hoạt động chủ yếu là nhỏ lẻ. Địa phương chưa có khu giết mổ tập trung nên rất khó quản lý. Việc kiểm soát dịch bệnh thông qua giết mổ gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để. Chính vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh thông qua giết mổ nhỏ lẻ là rất cao.
Thực tế từ đầu năm 2020 đến nay, dù dịch bệnh trên gia súc được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên, tại xã Tiến Thắng đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại nhiều hộ dân. Địa phương đã phải tiêu hủy 744 con gia cầm, trong đó, có 583 con gà, còn lại là 131 con ngan và 30 con vịt.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, từ nay đến cuối năm 2020, huyện Mê Linh sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn tập trung quản lý tốt công tác kiểm dịch. Đặc biệt là kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Pháp lệnh thú y và quy định của UBND thành phố Hà Nội.
Gia súc, gia cầm được vận chuyển, đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản liên quan |
Cùng với đó, địa phương sẽ tổ chức quán triệt đến từng xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Thường xuyên tổ chức khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, theo vùng quy hoạch…
Cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ
Liên quan đến hoạt động kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, giám sát dịch bệnh. Chi cục đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thành phố thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y...
Tại các quận, huyện, thị xã, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, trong đó tập trung vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng các quận, huyện, thị xã xử lý 1.200 trường hợp vi phạm.
Theo ông Sơn, để ổn định thị trường và kiểm soát dịch bệnh, các địa phương cần kiểm tra, yêu cầu các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cải tạo, nâng cấp dây chuyền giết mổ gia súc, sau đó cấp giấy chứng nhận giết mổ tạm thời. Đồng thời, các địa phương, đơn vị kiểm soát chặt đầu vào của cơ sở, chỉ được phép tiếp nhận, giết mổ gia súc, gia cầm khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh.
Bên cạnh đó, gia súc, gia cầm được vận chuyển, đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản liên quan; Không vận chuyển gia súc, gia cầm đến các điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Trường hợp gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ tỉnh khác vận chuyển đến cơ sở giết mổ, ngoài yêu cầu kiểm tra xét nghiệm âm tính với mầm bệnh, vật nuôi phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định.
Đồng thời, các tổ kiểm tra liên ngành và các xã, phường, thị trấn kiên quyết xử lý đối với các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm về cơ sở giết mổ không đúng với địa chỉ ghi trong giấy kiểm dịch; Tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì phương tiện vận chuyển, đánh tráo số lượng…