Khai thác “sức mạnh mềm” để lan tỏa giá trị, vị thế của Thủ đô
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình tại kỳ họp
Bài liên quan
Kinh tế Thủ đô phục hồi nhanh, đóng góp vào kết quả chung của cả nước
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thảo luận, phân tích kỹ, xác định các phương thức thực hiện khả thi
Cử tri Hà Nội đề nghị xử lý triệt để các vụ vi phạm về đất đai, xây dựng sai phép
Hoạt động của HĐND TP Hà Nội linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Chiều 6/7, tại phiên thảo luận tình hình thực hiện kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
Dự kiến quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng
Trả lời đại biểu về vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội, đáng lẽ tại phiên họp HĐND TP vào đầu tháng 12/2017, Ban cán sự Đảng UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Viện Quy hoạch của Bộ NN&PTNT thực hiện quy hoạch phân lũ theo Quyết định 217 của Thủ tướng nhưng sau đó hoãn nội dung này”.
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng vướng vào Luật Quy hoạch, trong đó, phải làm được quy hoạch phân lũ mới làm được quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng. Do đó, thẩm quyền hiện nay không thuộc UBND và HĐND TP Hà Nội.
Sắp tới, Hà Nội có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, thành phố sẽ đề xuất giải pháp, trong đó, Bộ có thể ủy quyền cho thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện quy hoạch. Thành phố cũng dự kiến quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng, tạo 2 bờ đê tích hợp thành 2 con đường...
“Ngoài ra, phải làm được quy hoạch phân lũ thì gần 900 nghìn người dân dọc khu vực nội đô từ các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên... có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
Liên quan đến công tác quy hoạch, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trước đây HĐND thành phố rà soát có 383 dự án chậm triển khai, nguyên nhân là sau khi sáp nhập địa giới hành chính thành phố, các dự án này phải chờ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì mới lập được quy hoạch chi tiết. Trong 1 năm vừa qua, UBND đã giải tỏa được 64 dự án, riêng huyện Mê Linh đã giải quyết 29/47 dự án. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án.
Không cắt giảm các dự án đầu tư cho môi trường
Cũng trong bài phát biểu, nhấn mạnh một số dự báo về tình hình dịch bệnh và kinh tế thế giới, Chủ tịch UBND thành phố đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để bảo đảm chăm lo sức khỏe cho người dân, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Mọi nguồn lực của thành phố được cân đối để bảo đảm chế độ chính sách về an sinh xã hội.
Đồng thời, bảo đảm mọi điều kiện để công tác giáo dục đào tạo hoạt động bình thường, trong đó đầu tư nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, đưa giáo dục về công nghệ thông tin vào các trường phổ thông cơ sở, cơ cấu lại đào tạo lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng chuẩn bị mọi nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, thành phố rất coi trọng các nhiệm vụ bảo đảm, giữ gìn vệ sinh môi trường, không cắt giảm các dự án đầu tư cho môi trường.
Đối với dự án xử lý rác thải tại khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 12/2020 với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đốt phát điện với công suất 75MW. Công trình xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) hiện vẫn bảo đảm tiến độ đến đầu năm 2022 sẽ hoàn thành, đồng thời thành phố cũng đang tiến hành đấu thầu thu gom rác năm 2021 và những năm tiếp theo…
Thành phố cũng đưa ra một số nội dung nhằm bảo đảm nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó coi trọng phát triển văn hóa, xem đây là “sức mạnh mềm” nhằm lan tỏa vị thế, giá trị nghìn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình” của Thủ đô ra thế giới.
Thành phố tiếp tục coi trọng cải cách hành chính, tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường nội địa, thị trường mới và các thị trường Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại.
Thành phố sẽ đẩy nhanh vốn đầu tư công, bảo đảm đủ nguồn lực cho các dự án, cơ cấu nguồn lực, ưu tiên cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội, hạ tầng giao thông... Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, bảo đảm Nghị quyết đi ngay vào đời sống.
Cùng với đó, tập trung các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa bằng nhiều giải pháp như xây dựng chương trình, sự kiện văn hóa chào mừng 1010 năm Thăng Long, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao diễn ra trên thành phố. Thành phố cũng đang đánh giá kỹ lưỡng, đàm phán với đơn vị nắm bản quyền để tiếp tục tổ chức giải đua F1 vào cuối tháng 11/2020, đồng thời tiếp tục chuẩn bị chương trình, dự án phục vụ Seagame 31 và Paragame 11.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể để triển khai các nội dung cam kết tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp điều hành tài chính để bảo đảm cân đối thu chi hợp lý.
Với giải pháp nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị HĐND thành phố tạm thời chưa điều chỉnh các chỉ tiêu liên quan đến GRDP và các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố mà tiếp tục quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất.