Khai thác nước ngầm khiến Jakarta sụt lún nhanh nhất thế giới
Jakarta hiện là thành phố bị sụt lún nhanh nhất thế giới. Trong ảnh là bức tường chắn biển tại khu vực phía Bắc thành phố, nơi sụt lún nghiêm trọng nhất (Ảnh: EPA)
Tác động của con người
“Tôi ở đây từ năm 1981 nhưng nay tôi không biết sẽ ở đây thêm bao lâu nữa. Cứ mỗi năm, nước biển lại dâng cao hơn”, bà Sukaesih (60 tuổi) sống tại Jakarta cho biết. Ngay trước ngõ nhà bà là đê bê tông được xây từ năm 2007, sau trận lụt lịch sử.
Đến nay, con đê ấy đã xuất hiện nhiều vết nứt vỡ, rò rỉ nước. “Nước thường xuyên rỉ ra và mỗi khi thủy triều lên cao, nước vượt qua cả mặt đê”, bà Sukaesih cho hay.
Bà Sukaesih đứng trên bức tường chắn biển gần nhà bà ở quận Muara Baru. Khi thủy triều dâng cao, nước ngập qua cả tường (Ảnh: Guardian) |
Thủ đô Jakarta của Indonesia nằm trên vùng đất đầm lầy ở bờ biển phía Tây Bắc đảo Java. Nơi đây còn có 13 con sông chảy qua. Khí hậu mưa nhiều và hệ thống thoát nước cũ kỹ đã khiến lũ lụt thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, ngập lụt đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Jakarta không chỉ phải đối phó với hiện tượng nước biển dâng, tương tự như các thành phố ven biển khác trên thế giới mà còn phải đối mặt với vấn đề khác nghiêm trọng hơn: Đất nền đang sụt lún từng ngày.
Theo tính toán của các chuyên gia, nền đất ở khu vực Bắc Jakarta đã sụt xuống 2,5m trong 10 năm qua và đang tiếp tục sụt lún khoảng 25cm nữa. Mức sụt lún này cao gấp đôi mức trung bình của các đô thị ven biển trên thế giới.
Khu vực Bắc Jakarta đang sụt lún khoảng 25cm mỗi năm (Ảnh: BBC) |
Tại khu vực quận Muara Baru, phía Bắc thành phố, nhiều ngôi nhà rơi vào tình trạng bị bỏ hoang do tầng một ngập nước, không thể sử dụng được. Tình trạng sụt lún xảy ra nghiêm trọng đến mức các chủ ngôi nhà đành phải bỏ đi chỗ khác mà không thể gia cố, sửa chữa để sử dụng.
Ngoài đường phố, nhiều nơi mặt đất gồ ghề, lồi lõm như sóng biển uốn lượn khiến người dân thậm chí khó có thể đi bộ được. Phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm với tốc độ chậm hơn. Ở Tây Jakarta, nền đất mỗi năm chìm xuống 15cm, phía Đông là 10cm, trung tâm là 2cm còn phía Nam là 1cm.
Tốc độ sụt lún báo động của Jakarta được cho là xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức, trong khi trọng lượng của đô thị ngày càng tăng. Hầu hết người dân Jakarta đều lấy nước dưới mặt đất để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Người dân Jakarta lấy nước từ một bể chứa nước sạch. Nguyên nhân khiến Jakarta chìm dần mỗi năm chủ yếu là do khai thác nước ngầm quá mức (Ảnh: Guardian) |
Các giếng khoan cũng cung cấp tới 1/3 nhu cầu nước cho các hoạt động kinh doanh và công nghiệp. Họ bất đắc dĩ phải hút nước ngầm vì thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu nước cho họ. Khi nước ngầm bị hút lên quá nhanh, vùng đất xung quanh nó bị sụt lún dần và không thể phục hồi như cũ.
Trong khi đó, tốc độ phát triển kinh tế trong những thập niên gần đây đã biến Jakarta từ đô thị thấp tầng thành một “rừng” tòa tháp cao tầng. Chính trọng lượng của những khu chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng… đang đè nặng lên mặt đất bên dưới.
Kết quả, thành phố đang chìm xuống, trong khi nước biển ngày càng dâng lên.
Thảm họa chực chờ
Cơn bão năm 2007 là một trong những lý do khiến Chính phủ Indonesia thêm quyết tâm cho việc tìm giải pháp cho Jakarta. Khi đó, cơn bão này trùng hợp với thủy triều lên đã đưa một lượng nước khổng lồ từ vịnh Jakarta vào đất liền.
Gần một nửa diện tích Jakarta bị bao phủ trong nước bùn. Thống kê cho thấy hàng chục người đã thiệt mạng và hơn 500.000 người mất nhà cửa, thiệt hại khoảng 544 triệu USD. Năm 2013, Jakarta tiếp tục hứng chịu lũ lụt khiến các hoạt động kinh tế, chính trị của thành phố ngưng trệ suốt nhiều ngày. Thậm chí cung điện Merdeka cũng ngập nghiêm trọng.
Tình trạng ngập lụt ở Jakarta ngày càng nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân do con người gây ra (Ảnh: EPA) |
Sau những cơn bão, một vài phương án được đưa ra, trong đó có việc di chuyển dân cư đến phần cao hơn của thành phố hoặc di dời cả thủ đô đến một địa điểm khác. Tuy nhiên, với mật độ dân số 5.585 người/km2, trong khi Jakarta lại có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của đất nước, những phương án này đều không dễ thực hiện.
Để ứng phó với tình trạng ngập úng, Jakarta tập trung xây dựng bức tường chắn biển và cải tạo các hệ thống kênh thoát lũ đã xuống cấp. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Hà Lan, Chính phủ Indonesia muốn xây bức tường cao đến 16m và dài 35km ở khu vực vịnh Jakarta.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng bức tường chắn biển ít khả thi do địa chất khu vực khá yếu, đồng thời cũng chỉ là biện pháp tạm thời, ngăn sụt lún ngắn hạn trong 20 - 30 năm.
Về lâu dài, Jakarta cần ngăn chặn các hoạt động khai thác nước ngầm bừa bãi. Thành phố Đông Nam Á này cần hỗ trợ người dân lấy nước sinh hoạt từ những nguồn khác như nước mưa, nước sông hoặc nước máy từ các hồ chứa.
Các nguồn nước sạch thay thế như sông, hồ ở Jakarta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng Trong ảnh là sông Citarum ngập trong rác thải (Ảnh: BBC) |
Theo các chuyên gia, Jakarta cần đầu tư nhiều hơn vào việc hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cung cấp nguồn nước tin cậy và lâu dài cho người dân, trên cơ sở hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và tư nhân.
Thủ đô Indonesia buộc phải thực hiện điều này trước năm 2050 để tránh sụt lún nghiêm trọng hơn, cũng như nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm do ảnh hưởng từ nền đất lún tới kiến trúc hạ tầng bên dưới.
Việc ngừng khai thác nước ngầm có thể ngăn chặn tình trạng sụt lún đất, thậm chí nâng nền đất lên. Từ kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới, các nhà khoa học tin rằng đây là phương pháp hoàn toàn khả thi.
Một số thành phố đã chứng kiến tốc độ lún bị kìm lại như Tokyo (Nhật Bản) và Bangkok (Thái Lan), do chính quyền làm tốt công tác quản lý đô thị. Trong những năm 1980, Bangkok bị lún xuống trung bình 12cm mỗi năm. Với việc hạn chế khai thác nước ngầm từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu m3 mỗi ngày, thủ đô của Thái Lan chỉ còn bị lún khoảng 1 đến 2cm mỗi năm.
Trong khi đó, vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đất nền Tokyo mỗi năm sụt giảm khoảng 20cm, sau nhiều năm khai thác nước ngầm. Chính quyền thành phố Tokyo đã phải áp dụng biện pháp hạn chế sử dụng nước ngầm cũng như tìm nguồn nước mới cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Vào đầu những năm 2000, mức lún của thành phố đã giảm xuống, chỉ còn 1cm/năm.
Tại Hội thảo đầu kỳ lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào đầu tháng 8 vừa qua do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức, đại diện Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch) thông tin, nguồn cấp nước cho đô thị Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu là nguồn nước ngầm.
Qua nhiều năm khai thác, đến nay trữ lượng nước đã suy giảm. Trong khi đó nhiều giếng nước tại các quận bị ô nhiễm nặng, có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Vì lý do trên, đại diện đơn vị tư vấn cho rằng quá trình lập quy hoạch điều chỉnh cấp nước Hà Nội cần nghiên cứu kỹ, đưa ra lộ trình cắt giảm việc sử dụng nước ngầm.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng, việc Hà Nội chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước mặt là cần thiết. Tuy nhiên, giảm sử dụng nguồn nước ngầm tại khu vực nào, giảm đến mức độ bao nhiêu cần phải gắn với đánh giá về chất lượng và trữ lượng tại khu vực đó và có sự so sánh với tiêu chuẩn của nguồn nước.