Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực, tạo dấu ấn cho điểm đến Bát Tràng
Khai mạc triển lãm nghệ thuật gốm "Linh thú thời nay" Những trải nghiệm cuối tuần thú vị tại làng gốm Bát Tràng Nhân rộng các mô hình hay trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc |
“Không cỗ đâu ngon bằng cỗ Bát Tràng”
Đó là nhận xét của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khi nói về nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của Bát Tràng.
Quả vậy, Bát Tràng là vùng đất cổ, gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Bởi thế, nền văn hóa lâu đời của Bát Tràng vẫn mang đậm những nét đặc trưng của Hà thành, được thể hiện qua các phong tục tập quán, ẩm thực độc đáo. Nơi đây vẫn có nghệ nhân cao tuổi như Nguyễn Thị Lâm, hay nghệ nhân Phạm Thị Diệu Hoài, điển hình của lớp trẻ ở Bát Tràng cần mẫn, kiên trì gìn giữ nếp nhà qua những mâm cỗ truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lâm, là con gái Hà Nội gốc, thừa hưởng sự khéo léo và tinh tế của mẹ trong việc nấu nướng nên khi về làm dâu tại Bát Tràng, bà giữ nguyên nếp nhà xưa, nấu ăn, bày biện mâm cỗ Tết theo lối cổ, tạo nên đặc trưng riêng của cỗ Bát Tràng.
Món xu hào xào mực trên mâm cỗ Bát Tràng |
Còn với chị Phạm Thị Diệu Hoài, vì đam mê ẩm thực nên chị đã mạnh dạn mượn ngôi nhà cổ 300 năm tuổi của người bác họ để mở một không gian phục vụ cho khách du lịch đến Bát Tràng muốn thường thức ẩm thực Bát Tràng. Chị bảo, cỗ làng Bát Tràng phải đủ bốn bát, sáu đĩa. Món nào cũng cầu kỳ nhưng nói đến cỗ Bát Tràng thì phải nói đến món canh măng mực và xu hào xào mực. Đây là hai món ăn gần như không thể thiếu trong những bữa cỗ quan trọng dịp lễ, Tết ở địa phương.
Để chế biến, mực cái phải được lấy từ vùng Thanh Hóa có độ ngọt và thịt mềm; Măng khô phải lấy từ Yên Bái. Bên cạnh đó, khâu sơ chế mực cũng đòi hỏi rất cầu kỳ để không còn vị tanh. Mực khô phải được khử tanh bằng rượu gừng, sau đó nướng vàng bằng than hoa. Mực khô nướng nức mùi thơm thì đem giã và xé bông sợi thật nhỏ. Sợi mực xé xong có màu trắng vàng, thơm ngọt, được nghệ nhân xào cùng chút đường kính và muối tinh cho ra màu nâu cánh gián, có vị ngọt, giòn. Khi nào sợi mực kêu “lách tách” là đủ lửa, nếu già quá mực dễ gãy, mà non quá lại dai…
Mâm cỗ cố truyền của Bát Tràng |
Hiện nay, tại xã Bát Tràng, có nhiều gia đình vẫn còn giữ các bí quyết làm cỗ truyền thống. Bằng cách nhận làm cỗ cho nhiều gia đình mỗi dịp cưới hỏi, hay lễ lạt quan trọng, những người phụ nữ Bát Tràng đang gắng gìn giữ văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất cổ này.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho hay, nhiều khách du lịch tới đây thường tìm hiểu về ẩm thực của Bát Tràng nên xã đã khuyến khích các gia đình có truyền thống ẩm thực duy trì hoạt động đón khách, giới thiệu ẩm thực địa phương để góp phần quảng bá văn hóa cũng như thu hút du khách hơn nữa.
Cần đẩy mạnh quảng bá
Với vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn chục cây số, Bát Tràng đang được xem là một trong những tuyến du lịch trọng tâm của Hà Nội. Bên cạnh truyền thống làng nghề, văn hóa ẩm thực đặc sắc chính lợi thế để Bát Tràng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm.
Ông Viết Anh Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch Nhật Anh chia sẻ, khách Châu Âu đặc biệt thích những món ăn được nấu kiểu Hà Nội xưa của Bát Tràng. “Nhiều khách của chúng tôi được bạn bè giới thiệu nên khi đến Hà Nội thường hỏi về tour này. Tuy vậy, việc các thông tin về ẩm ẩm thực ở Bát Tràng còn khá hạn chế”, ông Tráng cho biết.
Từ năm 2019, xã Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch. Xã cũng đã tổ chức đón quyết định công nhận Nghề gốm Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tuần lễ du lịch Bát Tràng; Khai mạc Lễ hội đình làng Bát Tràng năm 2023…
Tất cả những hoạt động này đang góp phần duy trì bản sắc văn hóa của địa phương, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội.
Những người phụ nữ Bát Tràng đang góp phần lan tỏa nét đẹp ẩm thực của vùng đất cổ này |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, những món ăn thuần Việt vốn là đặc trưng của Bát Tràng chưa được phổ biến nhiều cho du khách.
"Vì thế, địa phương cần phải nỗ lực xây dựng kênh quảng bá, phát huy thế mạnh của điểm đến, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo từ văn hóa ẩm thực, phát triển mạnh du lịch cộng đồng, từ đó khai thác hiệu quả giá trị văn hóa riêng biệt của vùng đất cổ Bát Tràng",- bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.