Khai mạc Kỳ họp thứ mười bốn HĐND thành phố Hà Nội
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc Kỳ họp
Bài liên quan
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội không chất vấn các Bộ trưởng
MTTQ TP Hà Nội lấy ý kiến phản biện về mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy và Thanh Xuân
Tới dự Kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương; đại diện các cơ quan Trung ương, các Sở, ngành, quận, huyện TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người và gây khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh chung đó, Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương cả nước đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; Tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, TP đã kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Có được kết quả đó là do sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND TP, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chấp hành nghiêm túc của người dân. TP đã ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch: Đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ, nhân lực cho việc dự phòng, cách ly, điều trị.
Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội đã chi 505 tỷ đồng từ ngân sách TP cho chính sách trên.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của TP đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch với số tiền trên 170 tỷ đồng; Các cán bộ công chức TP dành 1 ngày lương để ủng hộ công tác phòng, chống dịch với số tiền xấp xỉ 56 tỷ đồng.
MTTQ đã tổ chức hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng đang thực hiện cách ly tại các địa phương, các lực lượng công an, quân đội, y, bác sĩ, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, các bệnh nhân, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 số tiền trên 30 tỷ đồng và nhiều hàng hóa thiết yếu khác. Những kết quả trong phòng chống dịch Covid-19 của TP được cử tri, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Quang cảnh kỳ họp |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TP, với đặc thù Hà Nội có số ca nhiễm, số người bị cách ly nhiều nhất cả nước (toàn TP đã tổ chức cách ly gần 8 nghìn người tại 13 khu tập trung và các khách sạn, trên 71 nghìn người cách ly tại cộng đồng, điều trị và cách ly tập trung tại các bệnh viện, 3 ổ dịch cần phải cách ly với số lượng người dân cách ly rất lớn…) nên để phục vụ công tác này, TP đã huy động sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an, y tế, cán bộ thôn, tổ dân phố. Trong đó, một số đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch mà TP huy động đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 37/NQ-CP nhưng cũng còn một số đối tượng chưa được hưởng do các lực lượng tham gia chống dịch của TP được huy động với phạm vi rộng hơn theo quy định của Trung ương.
Việc quy định bổ sung chế độ chi cho các đối tượng này là cần thiết nhằm động viên kịp thời các lực lượng đã, đang và sẽ được huy động chống dịch mà chưa được các Nghị định của Chính phủ quy định là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện của TP. Những đối tượng này cũng là những người đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Vì vậy, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, gồm: Quy định chính sách hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2020 ứng phó kịp thời với dịch Covid-19; Quy định cơ chế đặc thù về nguồn kinh phí thực hiện dạy học trên truyền hình; Quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; Quy định nội dung, mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không đảm bảo tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tinh thần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. HĐND TP sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng ngân sách TP; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP (đợt 1) năm 2020.
Đây là những dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh. Do vậy, các nội dung nghị quyết về chủ trương đầu tư, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn lần này đều được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi.
“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và chúng ta đã chiến thắng bước đầu. Giờ đây, với tinh thần “chống trì trệ như chống dịch”, chúng ta càng phải gương mẫu, đi đầu, thúc đẩy duy trì phát triển kinh tế tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo an sinh xã hội.
Với nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết, kịp thời của Kỳ họp, tôi trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các đại biểu HĐND TP tiếp tục hiến kế, đóng góp tâm sức, xây dựng nghị quyết HĐND thiết thực, khả thi, đi vào cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.