HOSE đánh cồng khai Xuân và 4 yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tài chính
HOSE phủ nhận tin đồn ông Lê Hải Trà bị bắt HOSE thông tin chính thức về sự cố bảng điện chiều 10/1 |
Theo HOSE, trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ về thanh khoản, số lượng nhà đầu tư, chỉ số và vốn hóa thị trường, dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Lần đầu tiên, theo thống kê của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), tỷ suất vòng quay chứng khoán của thị trường Việt Nam năm 2021 đạt gần 173%, vượt qua mức 99,8% của thị trường Thái Lan.
Năm 2021, thanh khoản thị trường cổ phiếu trên HOSE ghi nhận sự tăng trưởng với giá trị giao dịch và khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 21.593 tỷ đồng và 737,29 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 247,27% về giá trị và 120,43% về khối lượng bình quân so với năm 2020.
Lễ đánh cồng đầu Xuân Nhâm Dần 2022 tại HOSE |
Đặc biệt, vào ngày 23/12/2021, thị trường đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị và khối lượng giao dịch lần lượt đạt trên 45.371 tỷ đồng và hơn 1,32 tỷ cổ phiếu. Chỉ số VNIndex cũng thiết lập đỉnh mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam với 1500.81 điểm vào ngày 15/11/2021 - cao nhất trong 21 năm hoạt động.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, trên HOSE có 404 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 8 mã chứng chỉ quỹ ETF, 113 mã chứng quyền có bảo đảm và 5 mã trái phiếu đang niêm yết và giao dịch.
Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 92,77% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành) và tăng 43,06% so với cuối năm 2020. Dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trong năm qua duy trì ở mức ổn định với tổng giá trị giao dịch cổ phiếu đạt hơn 798 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,39% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh 4 nhiệm vụ quan trong của ngành chứng khoán trong năm 2022
Thứ nhất, đảm bảo đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX theo đúng tiến độ dự án, đảm bảo vận hành thị trường liên tục hiệu quả, an toàn về hệ thống và xuyên suốt về thông tin.
Thứ hai, bước đầu phối hợp triển khai cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Thông tư 57/2021/TT-BTC, chủ động thực hiện công tác phân bảng các công ty niêm yết.
Thứ ba, tập trung ổn định thị trường, tăng cường công tác giám sát, nâng cao chất lượng công ty niêm yết về quản trị và công bố thông tin, đảm bảo thị trường an toàn minh bạch.
Thứ tư, tích cực phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam hoàn thiện các quy chế, quy trình hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển 5 năm, cũng như nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới trên thị trường, đặc biệt nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện HOSE khẳng định quyết tâm tập trung mọi nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022, trọng tâm là đưa dự án công nghệ thông tin của nhà thầu Hàn Quốc đi vào hoạt động.
Cùng với đó, HOSE sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường công tác giám sát, tập trung vào giám sát giao dịch bất thường, giám sát công bố thông tin, giám sát công ty chứng khoán, siết chặt kỷ cương, kỷ luật thị trường; Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức nhân sự, đổi mới công tác quản trị điều hành phù hợp với mô hình tổ chức hoạt động mới của Sở.