Hỗ trợ chủ thể OCOP tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Thông tin từ Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tính đến tháng 1/2022, cả nước có 6.010 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, thực phẩm chiếm 81%, đồ uống 6%, thảo dược chiếm 3%, đồ lưu niệm nội thất chiếm 8%, còn lại là nhóm sản phẩm may mặc và dịch vụ du lịch mỗi loại chiếm 1%.
Đến nay, có 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt 5 sao; 3.277 chủ thể có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, doanh nghiệp chiếm 27%, hợp tác xã/tổ hợp tác chiếm 41%, các hộ kinh doanh chiếm 32%.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Điều này khiến không ít sản phẩm bị tồn kho, các cơ sở sản xuất của các chủ thể rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng
Đơn cử như tại tỉnh Bắc Kạn, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, dịch COVID-19 khiến 35% chủ thể OCOP trên địa bàn giảm doanh thu, 4% chủ thể hoàn toàn không có doanh thu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp.
Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan được xuất sang các nước Châu Âu và được đánh giá cao về chất lượng |
Để giải quyết vấn đề này, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đã kết hợp với Văn phòng IFAD thực hiện dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng Nông thôn mới”.
Qua đó, các chủ thể OCOP được tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng các kênh phân phối, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân, hợp tác xã.
Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, dù dịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 155 sản phẩm OCOP, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP quốc gia là miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan được xuất sang các nước Châu Âu và được đánh giá cao về chất lượng.
Hay như tại tỉnh Hà Tĩnh, dù xảy ra dịch COVID-19 nhưng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP đều được tiêu thụ thuận lợi, thậm chí là tiêu thụ mạnh mẽ hơn trước khi có dịch vì 100% sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử và nhu cầu mua hàng online gia tăng trong xã hội.
Còn tại tỉnh Nghệ An sau thời gian thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 113 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 87 sản phẩm được công nhận 3 sao và 26 sản phẩm được công nhận 4 sao.
Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đạt tiêu chuẩn OCOP quốc gia |
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã có một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Trong đó, có 4 nội dung hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, gồm máy móc thiết bị, nhãn mác, bao bì, điểm giới thiệu quảng bá và bán hàng, tiền thưởng.
Nghệ An cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm OCOP, tiếp tục phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP và có 5 đến 8 sản phẩm đạt hạng 5 sao có thể xuất khẩu sang thị trường các nước.
Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP
Song song với việc thực hiện dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng Nông thôn mới”, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cùng với Văn phòng IFAD đồng thời xây dựng làng thông minh ở các vùng nông thôn có sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số; Tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững; Từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn. Từ đó, trọng tâm hướng đến phát triển sản phẩm chủ lực gắn với địa danh vùng miền.
Tại hội thảo tổng kết Dự án Grant No.2000002467 mới được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Việc đưa sản phẩm lên môi trường số giúp cắt bớt các khâu trung gian nên doanh thu của hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ tăng lên, giá trị các mặt hàng OCOP được nâng cao.
Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể, đặc biệt là các hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn đang trong giai đoạn bước đầu, diễn ra còn chậm và còn gặp không ít khó khăn.
Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh quản lý sản phẩm OCOP |
Theo chia sẻ của đại diện các địa phương, điều này là do chưa có hệ thống văn bản pháp luật cụ thể về sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP. Văn bản pháp luật về vấn đề này hiện chỉ lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật nên các chủ thể, địa phương chưa có cách triển khai rõ ràng.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ở các địa phương vẫn chưa phát triển toàn diện nên ảnh hưởng đến việc kết nối của các chủ thể với khách hàng, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong phát triển OCOP.
Ông Bùi Trường Minh, Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết: Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm trong môi trường số thuận lợi, làm sao phải phát triển hạ tầng và kết nối Internet đến cấp xã, thôn, bản; Nâng cao được năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân, thành viên hợp tác xã; Ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Điều này sẽ thúc đẩy được xây dựng Nông thôn mới, nhất là xây dựng mô hình làng thông minh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh quản lý sản phẩm OCOP; Đồng thời tổ chức giao thương sản phẩm OCOP trên toàn quốc theo hướng hiện đại để vươn ra thị trường quốc tế.