Hàng Việt sẵn sàng phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân
Dự báo dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự hồi phục sau đại dịch. Khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2023 cho khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với dịp Tết năm 2022).
Trong đó, nhóm hàng cần bảo đảm nguồn cung cầu trong dịp Tết là gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như măng, miến, mộc nhĩ, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh... đều được đảm bảo.
Thông tin từ Tập đoàn Central Group (đơn vị quản lý và sở hữu chuỗi siêu thị GO! BigC) cho thấy, giá hàng hóa chịu tác động của rất nhiều yếu tố như thời tiết hoặc chi phí vận chuyển. Để giải bài toán này, đội ngũ thu mua của Central Retail đã làm việc với nhà cung cấp, ký hợp đồng dài hạn, qua đó yêu cầu nhà cung cấp cam kết trong bất kể tình huống nào, cũng phải giữ giá bán đúng như hợp đồng, để Central Group có thể đưa ra mức giá có lợi nhất cho khách hàng.
Thời điểm này, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết |
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi siêu thị Winmart) Nguyễn Thị Phương chia sẻ, Winmart có nhiều giải pháp vận chuyển, giao hàng tập trung để giảm giá thành. Ngoài ra, đơn vị cũng đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá trên toàn hệ thống.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội của Nhân dân Thủ đô Tết Quý Mão 2023, thành phố Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022).
Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% so với kế hoạch của thành phố, qua đó ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa thời điểm cuối năm.
Để giá hàng hóa không tăng cao trong dịp Tết Nguyễn đán Quý Mão các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai nhiều sự kiện kích cầu mua sắm cuối năm. Hơn nữa thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh để nắm nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu cho Hà Nội qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.
Đa dạng kênh phân phối hàng Tết
Hiện nay, để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của Nhân dân, thành phố Hà Nội đã xây dựng chuỗi hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp Tết bao gồm các kênh bán hàng như: 28 trung tâm thương mại; 132 hệ thống siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; Hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Các kênh bán hàng đa phương tiện trên nền tảng số bao gồm khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại (hotline), website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa. Ngoài ra còn có hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Thành phố Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022) |
Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ Nhân dân trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn; Các chợ hoa xuân phục vụ Tết; Các sự kiện thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ; Đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của nhân dân Thủ đô...
Đối với mặt hàng xăng dầu, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục nắm bắt sát tình hình nguồn cung xăng dầu để kịp thời báo cáo Bộ Công thương, UBND thành phố có phương án giải quyết khi có biến động về nguồn xăng dầu trên địa bàn; Chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có kế hoạch về nguồn cung xăng dầu, không găm hàng, bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn Thành phố để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn trong dịp Tết.